Search

Sermons

Chủ đề 11: Đền Tạm

[11-17] Của-Lễ Chuộc Tội Được Dâng Trên Nắp Thi-Ân (Xuất Ê-díp-tô ký 25:10-22)

Của-Lễ Chuộc Tội Được Dâng Trên Nắp Thi-Ân
(Xuất Ê-díp-tô ký 25:10-22)
“Vậy, chúng hãy đóng một cái hòm bằng cây si-tim; bề dài hai thước rưỡi, bề ngang một thước rưỡi, và bề cao cũng một thước rưỡi, lấy vàng ròng bọc trong, bọc ngoài, và chạy đường viền chung quanh hòm bằng vàng. Ngươi cũng hãy đúc bốn khoen bằng vàng để tại bốn góc hòm: hai cái bên hông nầy, hai cái bên hông kia, cùng làm hai cây đòn bằng cây si-tim, bọc vàng; rồi lòn đòn vào khoen hai bên hông hòm, để dùng đòn khiêng hòm. Đòn sẽ ở trong khoen luôn, không nên rút ra. Ngươi hãy cất vào trong hòm bảng chứng mà ta sẽ ban cho. Ngươi cũng hãy làm một cái nắp thi ân bằng vàng ròng, bề dài hai thước rưỡi, bề ngang một thước rưỡi. Lại làm hai tượng chê-ru-bin bằng vàng giát mỏng, để hai đầu nắp thi ân, ló ra ngoài, một tượng ở đầu nầy và một tượng ở đầu kia. Hai chê-ru-bin sẽ sè cánh ra, che trên nắp thi ân, đối diện nhau và xây mặt vào nắp thi ân. Ngươi hãy để nắp thi ân trên hòm, rồi để vào trong hòm bảng chứng mà ta sẽ ban cho. Ta sẽ gặp ngươi tại đó, và ở trên nắp thi ân, giữa hai tượng chê-ru-bin, trên hòm bảng chứng, ta sẽ truyền cho ngươi các mạng lịnh về dân Y-sơ-ra-ên.”
 
 

Nắp thi ân

Nắp thi ânMột cu-bít thì có chiều dài từ đầu bàn tay đến khuỷu tay. Trong Kinh thánh, một cu-bít thì ước lượng khoảng 45 cm ngày nay. Chiều dài của Nắp thi ân là hai cu -bít rưỡi, và vì thế khi đổi sang mét thì chiều dài này khoảng 113cm. Và chiều rộng của nó là một cu-bít rưỡi, có nghĩa là khoảng 67.5 cm. Điều này cung cấp cho chúng ta một ý thức chung về kích thước của Nắp thi ân. 
Hòm Giao-ước trước nhất được làm bằng gỗ si-tim và sau đó được bọc vàng bên trong và ngoài. Nhưng Nắp thi ân, là cái được đặt trên Hòm Giao-ước, duy nhất được làm bằng bằng vàng ròng. Và ở hai đầu của nó, hai chê-bu-bin sè cánh ra được đặt ở trên, che cái nắp của Hòm Giao-ước – đó là Nắp thi ân – hai chê-bu-bin đối diện nhau và xây mặt vào Nắp thi ân. Nắp thi ân là nơi Đức Chúa Trời ban ân điển của Ngài cho những người đến với Ngài bởi đức tin.
Bốn cái khoen vàng được đặt tại bốn góc của Hòm. Mỗi bên được gắn vào hai khoen vàng, và những cái đòn được xỏ qua những cái khoen để nhờ đó mà người ta có thể di chuyển Hòm được. Những cái đòn này được làm bằng gỗ si-tim và bọc vàng. Bởi xỏ những cái đòn này qua hai cái khoen bên một hông, và hai cái khoen khác bên hông bên kia, Đức Chúa Trời đã bảo đảm rằng hai người có thể nhấc và khiêng nó đi. Và Chúa chúng ta đã nói, “Ta sẽ gặp ngươi ở trên Nắp thi ân này.” 
Đức Chúa Trời đã bảo dân I-sơ-ra-ên mang Hòm bảng chứng cùng với Nắp thi ân bằng cách xỏ những cái đòn qua Hòm. Đây có nghĩa rằng Đức Chúa Trời muốn chúng ta truyền bá Phúc-âm cho toàn cả thế giới. Cũng giống như lẽ thật của bàn thờ dâng hương – đó là – những cái khoen được đặt ở hai bên hông của nó, những cái đòn được xỏ qua những cái khoen này, và hai người được sai đi khiêng bàn thờ. Điều này cũng có nghĩa là chúng ta nên cầu xin sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời bất cứ khi nào chúng ta đối diện với những khó khăn, và rằng chúng ta cũng nên cầu nguyện cho việc truyền rao Phúc-âm cho toàn cả thế giới bất cứ nơi nào chúng ta đi. 
Trong Hòm bảng chứng, có 3 món đồ được để ở trong: cái hũ vàng đựng ma-na, cây gậy trổ hoa của A-rôn, và hai bảng đá Giao ước. Những điều này có nghĩa gì? Trước hết, hũ vàng đựng ma-na có nghĩa là Đức Chúa Jêsus Christ ban sự sống mới cho những người tin. Một lần Ngài đã tuyên bố, “Đức Chúa Jêsus phán rằng: Ta là bánh của sự sống; ai đến cùng ta chẳng hề đói, và ai tin ta chẳng hề khát.” (Giăng 6:35). 
Cây gậy trổ hoa của A-rôn nói với chúng ta rằng Đức Chúa Jêsus Christ là Chúa của sự phục sinh và vì thế Ngài ban cho chúng ta sự sống đời đời. Hai bảng đá Giao Ước nói chúng ta rằng chúng ta là những người không tránh khỏi bị hình phạt chết trước Luật pháp. Tuy nhiên, sự thương xót của Đức Chúa Trời vô cùng to lớn, nó che lấp mọi sự đoán phạt tội lỗi chúng ta mà Luật pháp đã nguyền rủa. Nắp thi ân hoàn toàn khớp kín như cái nắp của Hòm để sự rủa sả của Luật pháp không thoát ra.
Đức Chúa Trời đã hoàn thành Nắp thi ân với sự hi sinh trọn vẹn của Jêsus, Con của Ngài. Hể ai tin Phúc-âm của Nước và Thánh linh có thể chắc chắn đến được ngôi ân điển, nắp thi ân. 
 
 
Huyết Báu Được Rải Trên Nắp Thi Ân! 
 
Trước nhất chúng ta phải tìm ra điều huyền bí ẩn giấu trong Nắp thi ân là gì. Mỗi năm một lần, Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm lấy huyết của con sinh tế và đem vào trong Nơi Chí Thánh. Kế đó ông rải huyết này trên Nắp thi ân đúng bảy lần. Đức Chúa Trời đã nói rằng Ngài sẽ gặp dân I-sơ-ra-ên trên Nắp thi ân này. Đức Chúa Trời gặp những ai có cùng đức tin như Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm, đó là tin nơi sự tha thứ tội lỗi được bày tỏ trong hệ thống tế lễ hy sinh. 
Huyết hi sinh rải trên Nắp thi ân bày tỏ sự đoán xét công bình của Đức Chúa Trời và sự nhân từ của Ngài đối với loài người. Vào Ngày Lễ Chuộc Tội, ngày thứ 10 của tháng thứ 7, Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm A-rôn đặt tay ông trên con sinh tế để chuyển tội lỗi cả một năm của dân I-sơ-ra-ên. Kế đó ông giết nó và lấy huyết, rồi ông đem huyết này vào bên trong bức màn và rải nó lên trên Nắp thi ân (Lê-vi-ký 16:11-16). 
Qua huyết được rải ra, Đức Chúa Trời gặp dân I-sơ-ra-ên và ban cho họ phước hạnh của sự tha thứ tội lỗi. Vì ân điển của Đức Chúa Trời cho dân I-sơ-ra-ên nên Ngài đã thiết lập hệ thống của lễ hi sinh. Với sự đặt tay trên con sinh tế và huyết của nó, Đức Chúa Trời đã tẩy sạch tội lỗi của họ cách công bình và ban cho họ sự thương xót của Ngài, sự tha thứ tội lỗi của họ bởi ân điển. 
Vậy thì làm thế nào chúng ta có thể nhận được ân điển này? Với Lời gì mà Đức Chúa Trời đã tẩy sạch mọi tội lỗi của chúng ta một lần đủ cả? Đức Chúa Trời đã khiến cho chúng ta nhận biết rằng chúng ta phải có đức tin biết và tin nơi lẽ thật được bày tỏ trong hệ thống tế lễ để chúng ta nhận được ơn mà Ngài đã ban cho chúng ta. Đức Chúa Trời đã khiến cho sự công chính của Ngài được làm tròn với hai nhân tố này: sự đặt tay trên đầu sinh tế và huyết của nó. Tế lễ của Cựu ước không gì khác hơn là tượng trưng cho Báp-tem mà Đức Chúa Jêsus Christ đã nhận và huyết mà Ngài đã đổ trên ra trên Thập tự giá. 
Vì tội lỗi của chính chúng ta, Đức Chúa Jêsus Christ Con Đức Chúa Trời đã chịu báp-tem bởi Giăng để gánh tội lỗi của thế-gian, đã trở thành của lễ hi sinh trên Thập tự giá để trả tiền công vì những tội lỗi này, Ngài đã chết vì chúng ta, và đã sống lại từ cõi chết để cho chúng ta được sống. Báp-tem mà Đức Chúa Jêsus Christ đã nhận và huyết đã đổ của Ngài trên Thập tự giá là để ban cho chúng ta sự tha thứ tội lỗi, và chúng là ân-điển của những ơn phước thật sự đã khiến cho những người có đức-tin giống như thế có thể gặp gỡ Đức Chúa Trời. Lẽ thật này là hình bóng của Phúc-âm Nước và Thánh linh. Phúc-âm của Nước và Thánh linh là lẽ thật được thiết lập trên nền của đức-tin thật khiến cho tội nhân nhận được sự tha thứ tội lỗi từ Đức Chúa Trời. Đức Chúa Jêsus Christ đã trở thành của lễ hi sinh cho tội lỗi của chúng ta. Ngài đã trở nên cầu nối của lẽ thật cho phép chúng ta được đến với Đức Chúa Trời là Cha Thánh. 
Lần nữa, chúng ta có thể tìm thấy bằng chứng cuối cùng cho lẽ thật này trong những màu sắc của bốn sợi chỉ được dùng cho cửa Đền-tạm: xanh, tím, đỏ và vải gai mịn. Nói cách khác, bốn màu chỉ của cánh cửa Đền-tạm cung cấp cho chúng ta nguồn gốc của Phúc-âm thật. 
Nguồn gốc trước nhất là sự huyền bí của chỉ xanh biểu lộ trong cánh cửa Đền-tạm. Sự huyền bí này là việc Đức Chúa Jêsus Christ chịu Báp-tem bởi Giăng, có nghĩa rằng Ngài đã gánh tội lỗi của chúng ta. Nói cách khác, Chúa chúng ta đã nhận tội lỗi của chúng ta do Giăng đã chuyển sang Ngài. Đó là tại sao Ngài thôi thúc Giăng làm báp-tem cho Ngài rằng, “Bây giờ cứ làm đi, vì chúng ta nên làm cho trọn mọi việc công bình như vậy.” (Ma-thi-ơ 3:15).
Nguồn gốc thứ hai là chỉ tím biểu lộ trong Đền-tạm. Màu “tím” là màu của vua. Đức Chúa Jêsus Christ là Vua của muôn vua, là Đấng đã đến thế-gian này như là Cứu Chúa của nhân loại để giải cứu họ khỏi tội lỗi. Ngài đã từ bỏ sự vinh hiển của Thiên đàng và đến thế-gian này để tẩy sạch tội lỗi của chúng ta. Đức Chúa Jêsus Christ chính là Đức Chúa Trời trong thuộc tính của Ngài, nhưng để cứu chúng ta khỏi mọi tội lỗi của chúng ta, Ngài đã đến thế-gian này, và chịu Báp-tem, bị đóng đinh trong sự vâng phục ý muốn của Cha. Nói cách khác, để tẩy sạch tội lỗi chúng ta, Đức Chúa Trời đã hi-sinh ngôi vua của Thiên đàng và đã sanh vào trong thế-gian này bởi thân thể của nữ đồng trinh Ma-ri để cứu tội-nhân. Vì thế chúng ta phải tin rằng chính Con Đức Chúa Trời đã sanh ra từ thân thể của một nữ đồng trinh, chịu Báp-tem, và đổ huyết Ngài trên Thập tự giá, mọi việc đó dựa theo lời hứa mà Ngài đã làm với tiên tri Ê-sai hơn 700 năm trước. 
Nguồn gốc thứ ba là chỉ đỏ. Nó tượng trưng cho huyết của Chúa Jêsus. Lẽ thật này bày tỏ rằng Chúa Jêsus đã hoàn thành sứ mệnh cứu rỗi của Đức Chúa Trời bởi đổ huyết Ngài trên Thập tự giá. Sự đổ huyết của Ngài trên Thập tự giá là một sự hình phạt được chuẩn bị cho mọi tội phạm xấu xa nhất. Với hình phạt tội lỗi mà Chúa Jêsus đã chịu qua Báp-tem của Ngài, mọi tội lỗi của con người đã được phán xét. Bởi chịu đóng đinh và đổ huyết Ngài ra, Chúa Jêsus đã mang sự đoán phạt vì mọi tội lỗi của thế-gian và bởi đó giải cứu chúng ta khỏi tội lỗi. Bởi tiếp nhận tội lỗi của chúng ta từ Giăng qua Báp-tem của Ngài và vâng phục Cha cho đến chết, Đức Chúa Trời đã cứu mọi tội-nhân khỏi tội lỗi của họ. 
Bạn có nhận biết rằng Chúa Jêsus đã kết thúc mọi sự đoán phạt tội lỗi và đã khiến những người tin trở nên con cái Đức Chúa Trời bằng cách gánh thay cho chúng ta sự đoán phạt bởi thập giá của Ngài không? Đức Chúa Trời đã làm mọi việc này để nhờ tin nơi lẽ thật này mà chúng ta nhận được sự sống đời đời. Việc Chúa Jêsus chịu báp-tem và sau đó chịu hình phạt trên Thập tự giá có nghĩa là Ngài đã cứu chúng ta ra khỏi tội lỗi. Đó là lý do tại sao Ngài đã kêu lớn lúc hơi thở cuối cùng rằng, “Mọi việc đã được trọn!” (Giăng 19:30) Chúa Jêsus đã tuyên bố trong sự vui mừng tột cùng và nhẹ nhàng rằng Ngài đã hoàn thành việc cứu chúng ta ra khỏi tội lỗi theo ý muốn của Đức Chúa Cha. 
Cuối cùng, vải gai mịn ngụ ý rằng Chúa Jêsus là Đức Chúa Trời của Lời. Ngài bày tỏ ý muốn của Đức Chúa Trời qua Lời công chính và chi tiết của Ngài. Xuyên suốt Cựu ước, Ngài đã nói trước rằng Ngài sẽ đến thế-gian này và cứu toàn thể nhân loại bởi Báp-tem và Thập tự giá của Ngài. Sau đó Ngài đã làm trọn mọi lời hứa của Ngài cách chính xác trong Tân ước. Đó là lý do tại sao Kinh thánh chép, “Ban đầu có Ngôi Lời, Ngôi Lời ở cùng Đức Chúa Trời, và Ngôi Lời là Đức Chúa Trời. Ngôi Lời đã trở nên xác thịt, ở giữa chúng ta, đầy ơn và lẽ thật; chúng ta đã ngắm xem sự vinh hiển của Ngài, thật như vinh hiển của Con một đến từ nơi Cha.” (Giăng 1:1, 14).
Lẽ thật này khiến cho chúng ta được tẩy sạch mọi tội lỗi của chúng ta trắng như tuyết. Báp-tem mà Chúa Jêsus đã nhận và sự đổ huyết của Ngài không gì khác hơn là sự đặt tay và chuộc tội đoán xét của hệ thống tế lễ. Đó là bởi vì Chúa Jêsus đã mang mọi tội lỗi của thế-gian trên thân thể chính Ngài nên Ngài đã đổ huyết ra trên Thập tự giá. Vì Chúa Jêsus chịu Báp-tem để mang tội lỗi thay cho chúng ta, và đến Thập tự giá để đổ huyết Ngài trên đó, nên sự kiện này là điều trở thành sự cứu chuộc đã tẩy sạch tội lỗi chúng ta. 
Báp-tem mà Chúa chúng ta đã nhận khi Ngài đến thế- gian này như một con người và huyết mà Ngài đã đổ trên Thập tự giá là lẽ thật biểu lộ trong chỉ xanh, tím, và đỏ. Chúa Jêsus đã sanh trong thế-gian này hơn 2000 năm trước, đã gánh mọi tội lỗi của thế-gian bởi chịu Báp-tem, đã chết trên Thập tự giá, và sau 3 ngày Ngài đã sống lại từ cõi chết, đã mang sự làm chứng trong 40 ngày sau đó, và kế đó đã thăng thiên đến bên hữu ngai của Đức Chúa Trời – đây là lẽ thật biểu thị trong chỉ xanh, tím và đỏ. Đức Chúa Trời đang bảo chúng ta tin nơi lẽ thật này, rằng Ngài đã cứu chúng ta khỏi mọi tội lỗi bởi tẩy sạch tội lỗi của chúng ta. 
Khi chúng ta tin nơi lẽ thật này, Đức Chúa Trời nói với chúng ta, “Hiện nay, các con đã trở thành con cái của Ta. Các con không phải là tội nhân. Các con là dân sự của Ta và không còn là tội nhân nữa. Ta đã cứu các con khỏi mọi tội lỗi với tình yêu vô điều kiện của Ta. Bởi vì với Ta các con thật đáng thương, Ta đã cứu các con cách vô điều kiện. Bởi vì Ta yêu các con, Ta đã cứu các con bởi chính mình Ta. Không chỉ Ta có tình yêu cho các con, nhưng Ta thực sự đã chứng minh tình yêu của Ta cho các con bằng cách này. Hãy nhìn vào huyết tế lễ của Ta. Đây là bằng cớ tình yêu của Ta cho các con. Ta đã bày tỏ cho các con bằng cớ này.” 
Khi chúng ta đến trước Chúa như những người nghèo khó thuộc linh, Ngài đã bày tỏ cho chúng ta rằng Ngài đã cứu chúng ta với chỉ xanh, tím và đỏ. Chúa đã đến thế-gian này, chịu Báp-tem, bị khinh miệt và chịu chết trên Thập tự giá, đã sống lại từ cõi chết, và đã thăng thiên. Đức Chúa Trời đã gặp những người tin nơi tình yêu cứu rỗi của Ngài. 
Đức Chúa Trời ban ơn cứu rỗi cho những người tin. Sự cứu rỗi của Ngài khiến những con người trở thành con cái của Ngài. Đức Chúa Trời đang nói với chúng ta, “Hiện nay các con là con cái của Ta. Các con là con trai, con gái của Ta. Các con không còn là con cái của Sa-tan nữa, nhưng là con cái của chính Ta. Các con không còn chỉ là những tạo vật nữa nhưng là dân sự của Ta. Ta đã chuộc mọi tội lỗi của các con qua Jêsus Con của Ta. Hiện nay Ta đã khiến các con trở nên dân sự Ta, và các con trở thành dân sự Ta bởi đức tin.” Đức Chúa Trời không chỉ cứu những tội nhân, nhưng Ngài cũng ban ơn cho họ trở thành con cái của Ngài. 
Đức Chúa Trời đã gọi cái nắp của Hòm Giao-ước trong Đền-tạm là Nắp thi ân. Hai chê-ru-bin được đặt cúi mặt xuống nắp thi ân. Tại sao Đức Chúa Trời nói rằng Ngài sẽ gặp dân I-sơ-ra-ên ở trên Nắp thi-ân? Lý do là vì Đức Chúa Trời tha thứ tội của dân I-sơ-ra-ên bởi tiếp nhận huyết của con sinh tế, là con sinh mà mọi tội của họ đã chuyển trên mình nó bởi sự đặt tay. 
Nói cách khác, Đức Chúa Trời nói như vậy là vì Ngài muốn ban cho dân I-sơ-ra-ên sự tha thứ tội lỗi như một ơn phước bởi cho họ chuyển tội lỗi của họ trên con sinh tế bằng cách đặt tay họ trên đầu nó, và bởi có của lễ hi sinh này đã trả giá cho những tội lỗi này thay cho họ, mọi sự đó là để tẩy sạch tội lỗi của dân sự Ngài. Bởi vì Đức Chúa Trời không thể gặp tội nhân mà không có của-lễ cứu chuộc, nên qua của-lễ hi sinh này mà Ngài tẩy sạch tội lỗi của họ và gặp họ. 
Là con cháu của A-đam mọi người đều được sanh ra trong thế-gian này với tội lỗi. Vì thế mọi người đều có tội, và không ai có thể gặp được Đức Chúa Trời mà không có của-lễ hi sinh. Đó là lý do tại sao Đức Chúa Trời nói rằng Ngài sẽ tiếp nhận của-lễ hi sinh để chuộc tội lỗi của dân I-sơ-ra-ên và gặp họ trên Nắp thi-ân. 
Đức Chúa Trời bảo dân I-sơ-ra-ên để ngày thứ 10 của tháng thứ 7 như là Ngày Đại Lễ Chuộc Tội. Ngài đã bảo Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm chuyển tội lỗi trong một năm của dân I-sơ-ra-ên qua con sinh tế và dâng huyết tế-lễ này lên cho Ngài. Vào chính ngày đó, tội lỗi mà dân I-sơ-ra-ên đã phạm trong trọn một năm được tha, và bởi vì trong ngày này, Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm dâng của-lễ chuộc tội thay cho họ. 
 
 

Hệ Thống Tế Lễ Của Cựu Ước Giải Cứu Tội-Nhận Ra Khỏi Tội lỗi Của Họ

 
Như Lê-vi-ký 1:4 nói, “Ngươi sẽ nhận tay mình trên đầu con sinh, nó sẽ được nhậm thế cho, hầu chuộc tội cho người” mọi tội lỗi của một tội nhân thực sự được chuyển sang con dê đực bằng cách đặt tay anh ta trên đầu của con sinh tế. Đức Chúa Trời vui lòng tiếp nhận loại của-lễ được dâng lên với đức tin thật sự tin vào Lời của Ngài. Đây là bước đầu tiên và chủ yếu của hệ thống tế lễ mà Đức Chúa Trời đã thiết lập cho dân I-sơ-ra-ên của Ngài. 
Kế đến người đó giết con vật, lấy huyết nó, và đưa huyết này cho những thấy tế lễ. Sau đó những thầy tế lễ đặt huyết này trên những cái sừng của bàn thờ của lễ thiêu, rồi đặt thịt của nó trên bàn thờ để thiêu, và bằng cách đó dâng nó lên cho Đức Chúa Trời như là của-lễ hi sinh cho tội lỗi của tội nhân. Đây là luật cứu rỗi mà Đức Chúa Trời đã đặt để hầu tha thứ tội lỗi của mỗi tội nhân. 
Tuy nhiên, vào Ngày Đại Lễ Chuộc Tội, ngày thứ mười của tháng thứ bảy, Đức Chúa Trời cho phép dân sự Ngài dâng một của-lễ mà qua của-lễ đó mà họ có thể được tha thứ tội lỗi của họ trong một năm. Vào ngày đó, Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm, đại diện cho toàn thể dân I-sơ-ra-ên, phải chuẩn bị hai con dê. “Đoạn, A-rôn bắt thăm cho hai con dê đực, một thăm về phần Đức Giê-hô-va, một thăm về phần A-xa-sên. A-rôn sẽ biểu dẫn con dê đực bắt thăm về phần Đức Giê-hô-va lại gần và dâng nó làm của lễ chuộc tội.” (Lê-vi-ký 16:8-9).
Ông phải đặt tay trên đầu con dê đầu tiên để qua đó tội lỗi trong cả năm của toàn dân I-sơ-ra-ên có thể chuyển sang con sinh tế. Kế đó ông giết nó để lấy huyết, và sau đó vào trong Nơi Chí Thánh, và rải huyết ra bằng ngón tay của ông lên mỗi bên Nắp thi-ân, và trước Nắp thi-ân ông rải nó bảy lần. Bởi tiếp nhận huyết của của-lễ hi sinh này, Đức Chúa Trời đã tha thứ tội lỗi của họ và cho phép họ thành dân sự của chính Ngài. 
Sau đó, Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm ra khỏi Đền-tạm, và dâng con dê còn lại trước sự hiện diện của dân I-sơ-ra-ên. Để thực sự chuyển tội lỗi của dân sự, ông đã đặt tay ông lần nữa trên đầu sinh-tế. Kế tiếp ông tuyên bố, “Tôi đã chuyển mọi tội lỗi mà dân sự tôi đã phạm suốt một năm qua trên của-lễ này.” Sau điều này, ông đuổi sinh tế vào trong đồng vắng bởi sự dẫn dắt của một người đàn ông đã chỉ định trước. 
Con dê này phải bị đuổi vào trong đồng vắng khô cằn để chết (Lê-vi-ký 16:20-22). Điều này nói với chúng ta rằng dân I-sơ-ra-ên hoàn toàn được tha thứ một lần đủ cả cho mọi tội lỗi bằng của-lễ chuộc tội đã dâng trong Ngày Đại Lễ Chuộc Tội. 
Những con dê đực này là hình bóng của không ai khác hơn là Chúa Jêsus. Của-lễ chuộc tội bày tỏ lẽ thật cứu-rỗi mà Đức Chúa Jêsus Christ đã hoàn thành bởi chịu báp-tem nơi Giăng và chịu đóng đinh để tẩy sạch tội lỗi của mọi người trong thế-gian này. Đức Chúa Trời đã hứa gặp dân I-sơ-ra-ên trên Nắp thi-ân khi họ dâng của-lễ theo luật qua Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm. Dân I-sơ-ra-ên xem Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm và Nắp thi-ân là quý báu, vì Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm dâng của-lễ chuộc tội mỗi năm thay cho họ, và Nắp thi ân là nơi tội lỗi của họ được tha. 
Cũng vậy, Chúa Jêsus đã giảng hòa chúng ta với Đức Chúa Trời, Ngài đã dâng một của-lễ với thân thể Ngài vì tội lỗi của chúng ta đời đời qua Báp-tem và sự đổ huyết của Ngài. Đó là lý do tại sao chúng ta không thể dâng đủ lời tạ ơn lên Chúa Jêsus, và tại sao chúng ta phải tin nơi Báp-tem cùng với sự đóng đinh của Ngài. 
 
 
Nắp Thi-Ân Đã Niêm Phong Hai Tấm Bảng Đá Mười Điều Răn Được Đặt Trong Hòm Giao-Ước
 
Trên Núi Si-nai, Đức Chúa Trời đã ra lệnh cho Môi-se đặt hai tấm bảng đá có khắc Mười Điều Răn bên trong Hòm Giao-ước và đóng Hòm lại bằng Nắp thi ân. Đức Chúa Trời đã làm như vậy bởi vì Ngài muốn ban tình yêu nhân từ của Ngài cho dân I-sơ-ra-ên, vì họ không thể giữ trọn Luật Pháp. Nói cách khác, vì Đức Chúa Trời không thể quan hệ với dân I-sơ-ra-ên, là những người phạm tội mỗi ngày bởi Luật pháp công bình của Ngài, là luật tiền công của tội lỗi là sự chết. Điều này cũng là để ban sự tha thứ tội lỗi cho dân I-sơ-ra-ên. 
Nói cách khác, dân I-sơ-ra-ên quá bất toàn trước mặt Đức Chúa Trời để giữ gìn Luật pháp của Ngài bởi những việc làm của họ. Vì thế Đức Chúa Trời đã ban cho họ hệ thống tế lễ cùng với Luật pháp. Đó là để khiến họ được tẩy sạch mọi tội lỗi của họ qua của-lễ hi sinh. Điều này bày tỏ cho chúng ta rằng để tẩy sạch tội lỗi của dân I-sơ-ra-ên, Đức Chúa Trời đòi hỏi họ phải chuyển tội lỗi của họ trên của-lễ hi sinh bằng cách đặt tay của họ trên đầu nó, và giết nó thay cho họ bằng cách làm đổ huyết nó. Đức Chúa Trời đã ban luật tình yêu cứu rỗi của Ngài cùng với cơn thạnh nộ công bình của Ngài cho dân I-sơ-ra-ên. Như thế, chúng ta cũng cần tin nơi hai lẽ thật then chốt trong sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời; Báp-tem mà Đấng Mê-si-a đã nhận nơi Giăng và huyết mà Ngài đã đổ ra trên Thập tự giá. 
Con vật hi sinh cho của-lễ chuộc tội trong Cựu-ước là thân thể của Đấng Mê-si-a trong Tân-ước. Những của-lễ hi sinh được ban cho chúng ta trong Kinh thánh là tình yêu nhân từ của Đức Chúa Trời đã tẩy sạch mọi tội lỗi của chúng ta. Hiện nay cũng như khi xưa, để được tha thứ tội lỗi chúng ta, chúng ta thật sự cần của-lễ hi sinh chuộc tội. Ngày xưa, để tẩy sạch tội lỗi của nhân loại, phải có sự công chính của Đức Chúa Trời và tình yêu nhân từ của Ngài. 
Vì sự công chính của Đức Chúa Trời phải đoán xét chúng ta nếu chúng ta có tội, nên chúng ta phải tẩy sạch tội lỗi chúng ta bằng cách chuyển chúng sang của-lễ chuộc tội. Như một câu nói của người Hàn-quốc, “Hãy ghét tội lỗi, nhưng đừng ghét tội nhân,” Đức Chúa Trời đã ghét tội lỗi của chúng ta nhưng Ngài không ghét linh hồn của chúng ta, chúng ta cần đặt tay trên của-lễ hi sinh, lấy huyết nó và dâng lên cho Ngài. Trong Cựu-ước, việc Đức Chúa Trời chuộc tội lỗi của dân I-sơ-ra-ên có nghĩa là Đức Chúa Trời tiếp nhận của-lễ hi sinh của họ và bởi đó Ngài tha thứ tội cho họ. 
Đối với dân I-sơ-ra-ên, Đấng duy nhất đề ra Luật pháp là Đức Chúa Trời. Đức Giê-Hô-Va, Đấng bày tỏ chính Ngài trước dân I-sơ-ra-ên, là Đấng tư-hữu hằng-hữu. Cũng như chúng ta nhận biết Đức Chúa Trời là Đấng lập Luật Pháp duy nhất, chúng ta phải nhận biết rằng Ngài là Đức Chúa Trời của tất cả chúng ta và tiếp nhận hệ thống tế lễ mà Ngài đã lập để tẩy sạch tội lỗi chúng ta. Qua hệ thống tế lễ mà Đức Chúa Trời đã thiếp lập, chúng ta có thể nhận biết Đức Chúa Trời yêu chúng ta biết bao nhiêu và Ngài giải cứu chúng ta khỏi tội lỗi cách công chính như thế nào. Và qua Luật của Đức Chúa Trời, chúng ta cũng có thể nhận biết chúng ta không dễ dàng giữ gìn Luật pháp của Ngài ra sao. Trong nguồn gốc của chúng ta, chúng ta từng là những người thờ thần tượng trước mặt Đức Chúa Trời, phạm mọi thứ tội lỗi. Vì thế, chúng ta không thể không thừa nhận rằng chúng ta đáng bị đày xuống hỏa ngục vì tội lỗi của chúng ta bất cứ lúc nào. Đó là lý do tại sao Đức Chúa Trời phải đến với chúng ta như là Cứu Chúa. 
Đức Chúa Jêsus Christ đã ban thân thể Ngài như của-lễ hi sinh đời đời vì tội lỗi của thế gian. Ngài dâng chính Ngài trong cách y hệt như của lễ chuộc tội mà Cựu-ước đã dâng. Đặt biệt là việc được bày tỏ trong phân đoạn nói về Ngày Đại Lễ Chuộc Tội: bởi sự đặt tay trên đầu con sinh tế và sự đổ huyết của nó. Hai tấm bảng đá trong Hòm Giao-ước và Nắp thi ân hoàn toàn cần thiết cho dân I-sơ-ra-ên để nhận được sự tha thứ tội lỗi của họ, vì Đức Chúa Trời khiến cho những người tin nơi Luật pháp của Đức Chúa Trời và lời hứa sự sống của Ngài nhận được sự sống mới. Ngày nay, Luật pháp bày tỏ sự công chính của Đức Chúa Trời và Lời của lẽ thật là sự cứu rỗi đời đời khỏi tội lỗi không chỉ khiến cho dân I-sơ-ra-ên mà tất cả chúng ta cũng có thể gặp gỡ Đức Chúa Trời và nhận được sự sống đời đời. 
Bạn và tôi là những người sống trong thời đại này phải biết và tin Đức Chúa Trời của chúng ta là ai, Ngài đang nói với chúng ta điều gì, và qua điều gì Ngài đã làm cho chúng ta nhận được sự tha thứ tội lỗi. Qua lẽ thật của chỉ xanh, tím, đỏ và vải gai mịn được bày tỏ trong cửa Đền-tạm của Cựu-ước, Đức Chúa Trời đã gọi bạn và tôi, đã tiếp nhận chúng ta, và ban cho chúng ta đức tin tin nơi điều này. 
 
 

Chỉ Xanh Ngụ Ý Về Báp-Tem Mà Chúa Jêsus Đã Nhận

 
Chúng ta hãy xem Ma-thi-ơ 3:13-17: “Khi ấy, Đức Chúa Jêsus từ xứ Ga-li-lê đến cùng Giăng tại sông Giô-đanh, đặng chịu người làm phép báp-tem. Song Giăng từ chối mà rằng: Chính tôi cần phải chịu Ngài làm phép báp-tem, mà Ngài lại trở đến cùng tôi sao! Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Bây giờ cứ làm đi, vì chúng ta nên làm cho trọn mọi việc công bình như vậy. Giăng bèn vâng lời Ngài. Vừa khi chịu phép báp-tem rồi, Đức Chúa Jêsus ra khỏi nước; bỗng chúc các từng trời mở ra, Ngài thấy Thánh Linh của Đức Chúa Trời ngự xuống như chim bò câu, đậu trên Ngài. Tức thì có tiếng từ trên trời phán rằng: Nầy là Con yêu dấu của ta, đẹp lòng ta mọi đàng.”
Qua việc dâng của-lễ dưới hệ thống tế-lễ của Cựu-ước, Đức Chúa Cha quả thật đã bày tỏ ra rằng Ngài sẽ chuyển mọi tội lỗi của thế-gian lên chính Con Độc Sanh Jêsus Christ của Ngài. Thực tế Giăng Báp-tít đã làm báp-tem cho Chúa Jêsus để làm trọn mọi sự công chính của Đức Chúa Trời. Vì tội lỗi của thế-gian thật đã chuyển sang Chúa Jêsus khi Ngài chịu Báp-tem bởi Giăng, nên những người tin nơi điều này có thể được tha thứ mọi tội lỗi trong lòng họ. 
Báp-tem mà Chúa Jêsus đã nhận có một ý nghĩa hoàn toàn khác hẳn với Báp-tem nước mà người ta thường nhận như một nghi lễ để trở thành Cơ đốc nhân. Nói cách khác, Báp-tem nước mà ngày nay người ta nhận chỉ là một dấu hiện bên ngoài chuyển biến của họ đối với đạo Cơ-đốc-giáo. Chúa Jêsus đã chịu Báp-tem tại sông Giô-đanh để gánh mọi tội lỗi của thế-gian bởi sự đặt tay của Giăng Báp-tít, đại diện của nhân loại. Báp-tem mà Chúa Jêsus đã nhận là Báp-tem để làm trọn lời hứa cứu rỗi đời đời của Đức Chúa Trời, của sự tha thứ tội lỗi mà Đức Chúa Trời đã thiết lập qua hệ thống tế lễ trong Lê-vi-ký. Việc Chúa Jêsus đã gánh tội lỗi của thế gian bằng cách một mình chịu Báp-tem và đổ huyết ra cho đến chết trên Thập tự giá là để trả giá cho những tội lỗi này, đó là tình yêu của Đức Chúa Trời cho con người và sự tha thứ tội lỗi trọn vẹn.
Để cứu chúng ta khỏi mọi tội lỗi của thế-gian nên Đức Chúa Cha đã khiến Con Ngài chịu Báp-tem bởi Giăng. “Bây giờ cứ làm đi, vì như vậy chúng ta nên làm cho trọn mọi việc công bình như vậy.” (Ma-thi-ơ 3:15). “Vì như vậy” ở đây có nghĩa rằng Chúa Jêsus gánh tội lỗi thế-gian, của cả nhân loại bởi chịu Báp-tem. Bởi vì Giăng đã làm Báp-tem cho Đức Chúa Jêsus Christ, nên tội lỗi của chúng ta đã được chuyển sang Ngài. Bởi vì Đức Chúa Jêsus Christ đã gánh tội lỗi chúng ta bởi Báp-tem của Ngài nên Ngài đã đổ huyết ra và chết thay cho chúng ta. Báp-tem mà Chúa Jêsus đã nhận là tình yêu của sự tha thứ tội lỗi và sự hi sinh của Đức Chúa Trời. Sau khi Ngài thật sự tiếp nhận mọi tội lỗi của chúng ta chất trên Ngài, thì Ngài đã trầm mình xuống nước. Sự nhận chìm xuống nước này ngụ ý về sự chết của Ngài. Và việc Ngài ra khỏi nước chứng thực trước sự sống lại của Ngài. 
 
 

Chúa Jêsus Là Đấng Tạo Hóa Và Cứu Chúa Của Chúng Ta

 
Chính xác là Đức Chúa Jêsus Christ, Đấng đã đến với chúng ta chính là Đức Chúa Trời, là Đấng đã tạo dựng nên vũ trụ và mọi thứ ở trong đó. Sáng-thế-ký 1:1 nói, “Ban đầu Đức Chúa Trời dựng nên trời đất,” và Sáng-thế-ký 1:3 nói, “Đức Chúa Trời phán, ‘Phải có sự sáng’ thì có sự sáng.” Giăng 1:3 cũng chép, “Muôn vật bởi Ngài làm nên, chẳng vật chi làm nên mà không bởi Ngài.” Đức Chúa Jêsus Christ thật đã cùng với Đức Chúa Cha và Đức Thánh Linh tạo dựng nên toàn cả vũ trụ. 
Phi-líp 2:5-8 chép, “Hãy có đồng một tâm tình như Đấng Christ đã có, Ngài vốn có hình Đức Chúa Trời, song chẳng coi sự bình đẳng mình với Đức Chúa Trời là sự nên nắm giữ; chính Ngài đã tự bỏ mình đi, lấy hình tôi tớ và trở nên giống như loài người; Ngài đã hiện ra như một người, tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự.” Ngài thật sự là Tạo Hóa, là Đấng đã tạo nên thế giới này và đã tạo dựng loài người chúng ta. Để giải cứu chúng ta khỏi tội lỗi, chính mình Chúa đã đến với chúng ta như một con người, đã gánh tội lỗi của thế-gian bởi chịu Báp-tem bởi Giăng, đã đổ huyết Ngài ra vì Báp-tem này, và bởi đó đã cứu chúng ta khỏi mọi tội lỗi. 
Đấng Mê-si-a thật đã bảo dân I-sơ-ra-ên làm mọi cửa của Đền-tạm bằng cách dệt chỉ xanh, tím, đỏ cùng với vải gai mịn màu trắng. Việc Ngài bảo họ dùng chỉ xanh, tím, và đỏ cho cánh cửa Đền-tạm bày tỏ mục đích cứu cả nhân loại khỏi tội lỗi của họ: để gánh tội lỗi của thế-gian với Báp-tem mà Chúa Jêsus sẽ nhận nơi Giăng, và để trả giá cho họ bởi huyết của Ngài trên Thập tự giá. 
Trong Cựu-ước, tội nhân mang của-lễ hi sinh của họ đến Đền-tạm và chuyển tội lỗi của họ trên nó bằng cách đặt tay của họ trên đầu nó trước bàn thờ của-lễ thiêu. Kế đó họ lấy huyết của con sinh tế bằng giết nó, và trao huyết đó cho thầy tế lễ. Sau đó thầy tế lễ dâng của lễ này lên cho Đức Chúa Trời bằng cách bôi huyết lên trên bốn cái sừng của bàn thờ của lễ thiêu, cũng như rải phần còn lại lên mặt đất. 
Vào Ngày Đại Lễ Chuộc Tội, khi Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm lấy huyết của của-lễ hi sinh mà ông đã đặt tay lên đầu nó đem vào trong Nơi Chí Thánh và rải nó lên Nắp thi-ân, Đức Chúa Trời tiếp nhận huyết của-lễ hi sinh này như thay cho sự đoán xét dân sự Ngài. Tại sao con vật hi sinh phải bị giết? Bởi vì nó đã gánh mọi tội lỗi của dân I-sơ-ra-ên qua sự đặt tay của Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm trên đầu nó. Nói cách khác, huyết của nó là kết quả của sự đặt tay này. Do đó, Đức Chúa Trời đã tiếp nhận huyết của vật hi sinh và hưởng mùi thơm ngọt ngào của thịt đã thiêu trên bàn thờ của nó, và bởi đó tha thứ mọi tội lỗi của dân I-sơ-ra-ên. 
Trong thời Tân-ước cũng vậy, Chúa Jêsus đã đến để làm y như vậy. Để gánh tội lỗi của chúng ta và chịu sự đoán phạt vì tội lỗi, Chúa chúng ta đã đến trong thế-gian này qua thân thể của nữ đồng trinh Ma-ri, và Ngài đã hoàn thành sự cứu rỗi bởi chịu Báp-tem bởi Giăng và đổ huyết Ngài ra trên Thập tự giá. Chỉ xanh, tím, và đỏ là Phúc-âm bày tỏ lẽ thật rằng Chúa Jêsus, chính là Đức Chúa Trời, đã chịu Báp-tem và bị đóng đinh. 
Bởi vì Chúa Jêsus đã gánh tội lỗi của chúng ta bởi Báp-tem của Ngài nên Ngài đã bị đóng đinh, đổ hết huyết Ngài ra, đã chết, đã sống lại sau ba ngày, và bởi đó trở thành Cứu Chúa của chúng ta, là những người tin, hiện đang ngồi bên hữu ngai Đức Chúa Trời. Đức Chúa Jêsus Christ đã khiến cho những người thật sự tin nơi Ngài là Cứu Chúa của họ được gọi Đức Chúa Trời là A-ba, Cha, bởi họ đã tha thứ mọi tội lỗi một lần đủ cả trước mặt Đức Chúa Cha. Những điều này là sự huyền bí ẩn dấu trong chỉ xanh, tím, và đỏ. 
Qua Báp-tem của Ngài và huyết của Thập tự giá, Đấng Mê-si-a đã làm trọn sự tẩy sạch tội lỗi chúng ta và mang sự đoán phạt tội lỗi thay cho chúng ta. Hiện nay, Ngài trở thành Cứu Chúa của thế-gian. Như thế, chúng ta phải tin rằng cửa của Đền tạm trong Cựu ước được dệt bằng chỉ xanh, tím, đỏ và vải gai mịn, và chúng ta cũng phải tin rằng trong Tân ước, Đấng Mê-si-a, Cứu Chúa của chúng ta thật đã đến trong thế gian này, đã gánh tội lỗi của thế-gian bởi Báp-tem của Ngài, và mang sự đoán phạt mọi tội lỗi trên Thập tự giá – bởi đó, chúng ta nhận được sự tha thứ mọi tội của chúng ta. 
 
 
Là Cơ Đốc Nhân, Chúng Ta Chú Ý Lời Của Ngài Được Bao Nhiêu? 
 
Xuất 25:22 chép, “Ta sẽ gặp ngươi tại đó, và ở trên nắp thi ân, giữa hai tượng chê-ru-bin, trên hòm bảng chứng, ta sẽ truyền cho ngươi các mạng lịnh về dân Y-sơ-ra-ên.” Vậy thì, bạn đến gần với Phúc-âm của Nước và Thánh linh, Phúc-âm của sự cứu chuộc như thế nào? Do đâu mà Chúa có thể nói với bạn rằng bạn là những người tin nơi Đức Chúa Jêsus Christ, là Cứu Chúa? Trong Xuất Ê-díp-tô ký 25:22, Ngài đã nói rằng Ngài sẽ ban cho các bạn mọi điều răn của Ngài từ trên nắp của Hòm Giao-ước. Đối với dân I-sơ-ra-ên trong Cựu-ước, Đức Chúa Trời nói rằng Ngài sẽ phán với họ về mọi thứ từ trên Nắp thi-ân. 
Bạn phải nhận biết rằng đây là lời hứa của Đức Chúa Trời, Ngài sẽ hướng dẫn cuộc sống bạn sau khi ban cho bạn sự tha thứ tội lỗi qua luật của của-lễ hi sinh và khiến bạn trở nên dân sự Ngài. Đức Chúa Trời đang nói với chúng ta rằng không cần biết bạn tin nơi Cơ đốc giáo bao nhiêu để cố gắng được Chúa hướng dẫn, nhưng nếu bạn tin nơi Chúa Jêsus trong khi vẫn không biết lẽ thật của Phúc-âm Nước và Thánh linh, thì Ngài không thể hướng dẫn bạn. Như thế, nếu bạn thật sự muốn được Chúa hướng dẫn, trước nhất bạn phải biết và tiếp nhận lẽ thật của sự tha thứ tội lỗi như đã tha tội bạn một lần đủ cả, và kế đó chờ đợi sự hướng dẫn của Ngài. 
Có một điều mà tôi muốn nói với bạn, và đó là nếu bạn muốn trở thành con cái Đức Chúa Trời, và nếu bạn muốn trở nên một phần tử của Hội thánh Ngài, trước hết bạn phải được tha thứ tội lỗi bởi tin nơi Phúc-âm của Nước và Thánh linh, sự huyền bí của chỉ xanh, tím, và đỏ. Chỉ sau điều này thì bạn mới có thể nhận được những phán truyền của Chúa phán với bạn từ trên Hòm Giao-ước. 
Chúng ta phải nhớ và tin rằng Chúa luôn luôn yêu cầu và hướng dẫn cuộc đời chúng ta khi chúng ta có đức-tin nơi Phúc-âm của Nước và Thánh linh, là Phúc-âm khiến cho chúng ta có thể nhận được sự tha thứ tội lỗi. Hiện nay bạn có nhận được mệnh lệnh của Chúa ban cho bạn từ trên Nắp thi-ân không? Hay là bạn theo Chúa dựa trên những cảm giác của riêng bạn? 
Những cảm giác và cảm xúc của riêng bạn không thể xây dựng đức tin của bạn, nhưng chỉ đưa bạn đến sự lẫn lộn. Nếu bạn tìm kiếm để tuân theo mệnh lệnh của Đức Chúa Trời phán với bạn từ trên Hòm Giao-ước, thì bạn phải nhận biết và tin rằng chỉ xanh, tím, đỏ và vải gai mịn đề cập trong Đền tạm là sự tha thứ tội lỗi mà Đức Chúa Trời ban cho chúng ta. 
Ha-lê-lu-gia! Tôi cảm tạ Đức Chúa Trời vì Báp-tem của Chúa, huyết của Thập tự giá, quyền năng và tình yêu của Ngài, là điều đã cứu chúng ta khỏi mọi tội lỗi của thế-gian.