Search

Sermoni

Chủ đề 10: Sách Khải huyền (Giải nghĩa sách Khải huyền)

[Chapter 1-1] Lắng Nghe Lời Khải Thị Của Đức Chúa Trời (Khải huyền 1:1-20)

Lắng Nghe Lời Khải Thị Của Đức Chúa Trời
(Khải huyền 1:1-20)
“Sự mặc thị của Đức Chúa Jêsus Christ mà Đức Chúa Trời đã ban cho Ngài đặng đem tỏ ra cùng tôi tớ Ngài những điều kíp phải xảy đến, thì Ngài đã sai thiên sứ đến tỏ những điều đó cho Giăng, tôi tớ Ngài, là kẻ đã rao truyền lời Đức Chúa Trời và chứng cớ của Đức Chúa Jêsus Christ, về mọi điều mình đã thấy. Phước cho kẻ đọc cùng những kẻ nghe lời tiên tri này, và giữ theo điều đã viết ra đây. Vì thì giờ đã gần rồi. Giăng gởi cho bảy Hội thánh ở xứ A-si: Nguyền xin ân điển và sự bình an ban cho anh em từ nơi ĐẤNG HIỆN CÓ, ĐÃ CÓ, VÀ CÒN ĐẾN, cùng từ nơi bảy vì thần ở trước ngôi Ngài, lại từ nơi Đức Chúa Jêsus Christ là Đấng làm chứng thành tín, sinh đầu nhứt từ trong kẻ chết và làm Chúa của các vua trong thế gian! Đấng yêu thương chúng ta, đã lấy huyết mình rửa sạch tội lỗi chúng ta, và làm cho chúng ta nên nước Ngài, nên thầy tế lễ của Đức Chúa Trời là Cha Ngài, đáng được sự vinh hiển và quyền năng đời đời vô cùng! A-men. Kìa, Ngài đến giữa những đám mây, mọi mắt sẽ trông thấy, cả đến những kẻ đã đâm Ngài cũng trông thấy; hết thảy các chi họ trong thế gian sẽ than khóc vì cớ Ngài. Quả thật vậy. A-men! Chúa là Đức Chúa Trời, ĐẤNG HIỆN CÓ, ĐÃ CÓ, VÀ CÒN ĐẾN là Đấng Toàn năng, phán rằng: Ta là An-pha và Ô-mê-ga. 
Tôi là Giăng, là anh em và bạn của các anh em về hoạn nạn, về nước, về sự nhịn nhục trong Đức Chúa Jêsus, tôi đã ở trong đảo gọi là Bát-mô, vì cớ lời Đức Chúa Trời và chứng của Đức Chúa Jêsus. Nhằm ngày của Chúa, tôi được Đức Thánh Linh cảm hóa, nghe đằng sau có tiếng kêu vang, như tiếng loa, rằng: Điều ngươi thấy, hãy chép vào một quyển sách mà gởi cho bảy Hội Thánh tại Ê-phê-sô, Si-miệc-nơ, Bẹt-găm, Thi-a-ti-rơ, Sạt-đe, Phi-la-đen-phi và Lao-đi-xê.
Bấy giờ tôi xây lại đặng xem tiếng nói với tôi đó là gì; vừa xây lại, thấy bảy chân đèn bằng vàng, và ở giữa những chân đèn có ai giống như con người, mặc áo dài, thắt đai vàng ngang trên ngực. Đầu và tóc người trắng như lông chiên, trắng như tuyết; mắt như ngọn lửa; chân như đồng sáng đã luyện trong lò lửa, và tiếng như tiếng nước lớn. Tay hữu người cầm bảy ngôi sao; miệng thò ra thanh gươm nhọn hai lưỡi, và mặt như mặt trời khi soi sáng hết sức.
Vừa thấy người, tôi ngã xuống chân người như chết; nhưng người đặt tay hữu lên trên tôi, mà rằng: Đừng sợ chi, ta là Đấng trước hết, và là Đấng sau cùng, là Đấng Sống, ta đã chết, kìa nay ta sống đời đời, cầm chìa khóa của sự chết và Âm phủ. Vậy hãy chép lấy những sự ngươi đã thấy, những việc nay hiện có và những việc sau sẽ đến, tức là sự mầu nhiệm của bảy ngôi sao mà ngươi thấy trong tay hữu ta, và của bảy chân đèn vàng. Bảy ngôi sao là các thiên sứ của bảy Hội thánh, còn bảy chân đèn là bảy Hội thánh vậy.”
 
 

Giải thích

 
Câu 1: “Sự mặc thị của Đức Chúa Jêsus Christ mà Đức Chúa Trời đã ban cho Ngài đặng đem tỏ ra cùng tôi tớ Ngài những điều kíp phải xảy đến, thì Ngài đã sai thiên sứ đến tỏ những điều đó cho Giăng, tôi tớ Ngài.”
Sách Khải huyền được sứ đồ Giăng chép ra, người đã ghi lại sự mặc khải của Đức Chúa Jêsus Christ đã bày tỏ ra cho ông trong thời gian ông ở tại Bát-mô, một hòn đảo trong biển Aegean, là nơi mà ông đã bị đày đến trong những năm suy sụp của Đế quốc La-mã (vào khoảng năm 95 trước công nguyên). Giăng đã bị đày đến đảo Bát-mô để làm chứng cho Lời của Đức Chúa Trời và Chúa Jêsus, và tại hòn đảo này Giăng đã thấy được vương quốc của Đức Chúa Trời được bày tỏ ra bởi Đức Chúa Jêsus Christ qua sự linh cảm của Đức Thánh Linh và thiên sứ của Ngài. 
“Sự mặc khải của Đức Chúa Jêsus Christ” có nghĩa gì? Bởi sự mặc khải của Đức Chúa Jêsus Christ, có nghĩa là Đức Chúa Trời sẽ tiết lộ với chúng ta, qua Người đại diện của Ngài là Jêsus Christ, những điều sẽ xảy ra cho thế giới này và nước Thiên đàng trong tương lai. Chúa Jêsus vốn là ai? Ngài là Đức Chúa Trời, là Đấng Tạo Hóa và là Cứu Chúa, Đấng đã giải cứu nhân loại khỏi tội lỗi của thế gian. 
Đức Chúa Jêsus Christ là Đức Chúa Trời của Vương Quốc mới sắp đến, là người tiết lộ cho chúng ta mọi điều về thế giới mới sắp đến, là Đấng đại diện của Đức Chúa Cha. Qua Lời Khải thị được ghi lại bởi Giăng, chúng ta có thể thấy Chúa Jêsus sẽ giải quyết thế giới cũ và mở ra thế giới mới như thế nào. 
 
Câu 2: “Là kẻ đã rao truyền lời Đức Chúa Trời và chứng cớ của Đức Chúa Jêsus Christ, về mọi điều mình đã thấy.”
Giăng có thể làm chứng Lời của lẽ thật cách chi tiết vì ông đã nhìn thấy điều mà Đức Chúa Jêsus Christ sẽ làm trong tương lai như Người đại diện của Đức Chúa Cha. Giăng đã thấy và nghe những điều sẽ được ứng nghiệm qua Đức Chúa Jêsus Christ, và như thế, ông có thể làm chứng về mọi điều đó. 
 
Câu 3: “Phước cho kẻ đọc cùng những kẻ nghe lời tiên tri này, và giữ theo điều đã viết ra đây. Vì thì giờ đã gần rồi.”
Ở đây nói rằng phước cho những người nào đọc và nghe Lời của Đức Chúa Trời do Giăng làm chứng. Ai là những người được phước? Trước nhất và trên hết, họ là những người tin, những người đã trở thành dân sự của Đức Chúa Trời bởi được giải cứu khỏi mọi tội lỗi của họ bởi đức tin của họ nơi Lời Đức Chúa Trời. Chỉ có những tín đồ mới có thể được phước bởi vì họ là những người đọc, nghe và giữ bằng chứng của Lời Đức Chúa Trời – mọi điều sẽ đến qua Đức Chúa Jêsus Christ – được ghi lại bởi Giăng. Những người đã trở thành tín đồ của Đức Chúa Trời qua cách này sẽ nhận được những ơn phước Thiên đàng bởi nghe Lời Đức Chúa Trời và giữ đức tin nơi Ngài. 
Nếu Đức Chúa Trời không nói trước với chúng ta, qua Giăng về những sự mầu nhiệm của lẽ thật sẽ xảy đến trong thế gian này và trên Thiên đàng, thì làm thế nào các tín đồ có thể nghe và thấy điều đó? Làm sao họ có thể được phước của sự biết trước và tin nơi mọi điều thay đổi mà thế giới này đang trải qua? Tôi dâng lời cảm tạ và tôn vinh lên Đức Chúa Trời vì đã tỏ ra cho chúng ta qua Giăng mọi điều đang chờ đợi thế giới này và thiên đàng. Trong thời hiện tại của chúng ta, quả thật phước cho những người có thể thấy và đọc Lời mặc thị của Đức Chúa Trời qua Đức Chúa Jêsus Christ bằng chính đôi mắt của họ.
 
Câu 4: “Giăng gởi cho bảy Hội thánh ở xứ A-si: Nguyền xin ân điển và sự bình an ban cho anh em từ nơi ĐẤNG HIỆN CÓ, ĐÃ CÓ, VÀ CÒN ĐẾN, cùng từ nơi bảy vì thần ở trước ngôi Ngài.” 
Giăng nói rằng ông đang gởi thư của ông cho bảy Hội Thánh xứ A-si. Sau khi ghi lại những lời tiên tri và sự mặc thị mà Đức Chúa Trời đã bày tỏ ra cho ông trong thời gian ông bị đày tại đảo Bát-mô, Giăng đã gởi nó cho Hội Thánh xứ A-si, cũng như cho tất cả các Hội Thánh của Đức Chúa Trời trên toàn cả thế giới. 
 
Câu 5: “lại từ nơi Đức Chúa Jêsus Christ là Đấng làm chứng thành tín, sinh đầu nhứt từ trong kẻ chết và làm Chúa của các vua trong thế gian!”
Tại sao Giăng gọi Đức Chúa Jêsus Christ là “Đấng làm chứng thành tín”? Chúa chúng ta đã đến trong thế gian này và chịu Báp tem bởi Giăng Báp-tít để giải cứu mọi người đang ở trong tội lỗi và đang đi đến sự hủy diệt. Qua Báp tem của Ngài, Chúa Jêsus đã gánh mọi tội lỗi của thế gian, đổ huyết Ngài ra trên Thập tự giá để trả giá tội lỗi bằng sự sống của Ngài, và sau 3 ngày Ngài đã sống lại từ cõi chết—mọi điều đó là để cứu những người tin và tẩy đi tội lỗi của họ. Vì không ai khác hơn Chúa Jêsus là Đấng đã giải cứu mọi tội nhân trên thế gian này khỏi tội lỗi của họ, Đấng Christ là bằng chứng sống cho sự cứu rỗi này. 
Bởi “Đấng sinh đầu nhất trong những kẻ chết”, Giăng đang nói với chúng ta rằng Chúa Jêsus đã trở nên trái đầu mùa bởi đến thế gian này và làm trọn mọi đòi hỏi của Luật pháp – hay nói cách khác, Ngài gánh mọi tội lỗi bởi Báp-tem của Ngài, và đã trả giá tội lỗi bằng cách chết trên Thập tự giá, và sống lại từ cõi chết. Và vì Đấng Christ “đã yêu chúng ta và tẩy sạch chúng ta bởi chính huyết của Ngài,” Đức Chúa Trời đã giải thoát những người tin Phúc âm Nước và Thánh linh ra khỏi mọi tội lỗi của họ. 
 
Câu 6: “Đấng yêu thương chúng ta, đã lấy huyết mình rửa sạch tội lỗi chúng ta, và làm cho chúng ta nên nước Ngài, nên thầy tế lễ của Đức Chúa Trời là Cha Ngài, đáng được sự vinh hiển và quyền năng đời đời vô cùng! A-men.”
Là Người đại diện của Đức Chúa Cha, Chúa Jêsus đã đến thế gian này trong xác thịt và đã cứu tội nhân bởi Báp tem của Ngài và huyết trên Thập tự giá. Với những việc làm ân điển này, Đấng Christ đã tẩy sạch chúng ta và khiến chúng ta trở nên dân sự và những thầy tế lễ của Đức Chúa Trời. Nguyện đời đời mọi sự vinh hiển, tôn vinh và cảm tạ được dâng lên cho Cha, Đấng đã ban cho chúng ta ân điển Ngài, và ban cho Con, Đấng đại diện của Cha và là Cứu Chúa của chúng ta! Mục đích hiện thân của Đấng Christ là thay Cha khiến chúng ta trở nên dân sự và thầy tế lễ của Nước Đức Chúa Trời. Nói cách khác, chúng ta đã được trở nên “vua” của Nước Thiên đàng, là nơi chúng ta sẽ sống đời đời với Đức Chúa Trời.
 
Câu 7: “Kìa, Ngài đến giữa những đám mây, mọi mắt sẽ trong thấy, cả đến những kẻ đã đâm Ngài cùng trông thấy; hết thảy các chi họ trong thế gian sẽ than khóc vì cớ Ngài. Quả thật vậy. A-men!” 
Ở đây nói rằng Đấng Christ sẽ đến giữa những đám mây, và tôi hoàn toàn tin điều này. Đây không phải là một câu chuyện khoa học giả tưởng. Đây là lời tiên tri rằng Đức Chúa Jêsus Christ sẽ thật sự từ Thiên đàng trở lại thế gian này. Ở đây cũng nói rằng “những kẻ đâm Ngài” cũng sẽ thấy Ngài. Những người này là ai? Họ là những người đã xem Lời của Nước và Thánh linh chỉ là một trong nhiều học thuyết của thế gian, ngay cả khi Lời này có quyền năng để cứu tất cả họ. 
Khi Đấng Christ trở lại, những người đã đâm Ngài với sự không tin của họ chắc chắn sẽ than khóc. Họ sẽ khóc và hối tiếc, bởi vì lúc họ nhận ra rằng Phúc âm Nước và Thánh linh quả thật là Phúc âm của sự mua chuộc và sự giải cứu họ khỏi tội lỗi, và rằng Chúa Jêsus đã chịu Báp tem bởi Giăng để gánh mọi tội lỗi của thế gian, thì nó đã quá trể cho họ. 
 
Câu 8: “Chúa là Đức Chúa Trời, Đấng Hiện Có, Đã Có, Và Còn Đến, là Đấng Toàn năng, phán rằng: Ta là An-pha và Ô-mê-ga.”
“An-pha và Ô-mê-ga” Giăng nói với chúng ta rằng Đức Chúa Trời của sự đoán xét mà từ Ngài là cả sự mở đầu lẫn sự kết thúc của cả vũ trụ và lịch sử loài người được tìm thấy. Chúa sẽ trở lại để tưởng thưởng người công chính và đoán xét những tội nhân. Ngài là Đức Chúa Trời Toàn Năng, là Đấng sẽ đoán xét tội lỗi của loài người và tưởng thưởng sự công chính của những người tin nơi sự công chính của Ngài. 
 
Câu 9-10: “Tôi là Giăng, là anh em và bạn của các anh em về hoạn nạn, về nước, về sự nhịn nhục trong Đức Chúa Jêsus, tôi đã ở trong đảo gọi là Bát-mô, vì cớ lời Đức Chúa Trời và chứng của Đức Chúa Jêsus. Nhằm ngày của Chúa, tôi được Đức Thánh Linh cảm hóa, nghe đằng sau có tiếng kêu vang, như tiếng loa,” 
Từ “anh em” được dùng khi những người tín đồ gọi nhau. Trong hội thánh tái sanh của Đức Chúa Trời, những người đã trở thành gia đình bởi tin nơi Phúc âm Nước và Thánh linh gọi nhau là anh chị em, và những tên gọi này được ban cho chúng ta bởi đức tin của chúng ta nơi Phúc âm Nước và Thánh linh. 
“Ngày của Chúa” ở đây tượng trưng cho ngày sau ngày Sa-bát, khi Chúa Jêsus sống lại từ cõi chết. Ngày trong tuần là ngày Chúa Jêsus phục sinh, và đó là lý do tại sao chúng ta gọi ngày Chúa nhật là “Ngày của Chúa.” Ngày này ghi dấu sự kết thúc của Luật pháp và sự mở đầu thời kỳ mới của sự cứu rỗi. Cũng vậy, với sự sống lại của Ngài, Chúa chúng ta đã nói với chúng ta rằng Nước của Ngài không thuộc về thế gian này. 
 
Câu 11: “Điều ngươi thấy, hãy chép vào một quyển sách mà gởi cho bảy Hội Thánh tại Ê-phê-sô, Si-miệc-nơ, Bẹt-găm, Thi-a-ti-rơ, Sạt-đe, Phi-la-đen-phi và Lao-đi-xê.” 
Giăng đã viết xuống những điều ông đã nhìn thấy qua sự mặc khải của Đức Chúa Jêsus Christ và đã gởi những điều đó trong những lá thư cho 7 hội thánh xứ A-si. Điều này nói với chúng ta rằng Đức Chúa Trời phán với toàn thể Hội thánh qua những đầy tớ của Ngài, là những người đã đi trước chúng ta. 
 
Câu 12: “Bấy giờ tôi xây lại đặng xem tiếng nói với tôi đó là gì;” 
Vì Kinh thánh của Đức Chúa Trời chưa được hoàn thành trong thời các sứ đồ, nên cần phải bày tỏ những dấu hiệu và khải thị cho các sứ đồ. Khi Giăng nghe tiếng của Đức Chúa Trời, ông đã nhìn thấy “7 chân đèn vàng”. Chân đèn ở đây là biểu tượng cho hôải thánh của Đức Chúa Trời, nơi nhóm họp của những tín đồ, là những người tin vào sự mặc thị của Phúc âm Nước và Thánh Linh. Đức Chúa Trời từng là Chúa của 7 hội thánh xứ A-si, Ngài đã là và đang là Người Chăn, là Người chăm sóc tất cả các tín đồ. 
 
Câu 13: “vừa xây lại thấy bảy chân đèn bằng vàng, và ở giữa những chân đèn có ai giống như con người, mặc áo dài, thắt đai vàng ngang trên ngực.” 
“Người giống như Con Người,” Người mà Giăng đã nhìn thấy “ở giữa những chân đèn vàng,” tượng trưng cho Đức Chúa Jêsus Christ. Là Người Chăn của các thánh đồ, Chúa Jêsus thăm viếng và nói chuyện với những người tin nơi Lời Lẽ thật của Báp tem và sự đóng đinh của Ngài. Giăng diễn tả Đấng Christ trong cụm từ: “mặc áo dài, thắt đai vàng ngang lên ngực” tượng trưng cho địa vị của Chúa chúng ta là Người đại diện của Đức Chúa Cha. 
 
Câu 14: “Đầu và tóc người trắng như lông chiên trắng, như tuyết; mắt như ngọn lửa;”
Chúa chúng ta hoàn toàn thánh khiết, uy nghi, và trang nghiêm. “Mắt của Ngài như ngọn lửa” có nghĩa rằng Ngài, Đức Chúa Trời Toàn năng, là Quan Án công bình. 
 
Câu 15: “chân như đồng sáng đã luyện trong lò lửa, và tiếng như tiếng nước lớn.”
Chúng ta nghĩ Chúa Jêsus là ai? Các tín đồ tin rằng Ngài là Đức Chúa Trời hoàn hảo và trọn vẹn. Chúa chúng ta là toàn năng và không có sự yếu đuối. Nhưng vì Ngài đã kinh nghiệm được sự yếu đuối của chúng ta trong khi Ngài sống trên thế gian này, Ngài đã có một sự thông cảm sâu sắc cho những hoàn cảnh và những điều kiện của chúng ta và vì thế có thể giúp đỡ chúng ta tốt hơn. Việc tiếng Ngài như tiếng nước lớn chính là bày tỏ Chúa chúng ta thánh khiết và toàn năng như thế nào. Không có một vết tích nào của sự không trọn vẹn và yêáu đuối trong Chúa chúng ta, và trong Ngài chỉ đầy sự thánh khiết, tình yêu, uy nghi và sự cao trọng của Ngài. 
 
Câu 16: “Tay hữu người cầm bảy ngôi sao; miệng thò ra thanh gươm nhọn hai lưỡi và mặt như mặt trời khi soi sáng hết sức.”
Việc “tay hữu Người cầm 7 ngôi sao” có nghĩa rằng Chúa nắm giữ hội thánh của Đức Chúa Trời. Mặt khác, “Thanh gươm hai lưỡi” thò ra từ miệng Ngài biểu tượng rằng Chúa Jêsus là Đức Chúa Trời Toàn Năng, là Đấng làm việc với Lời uy quyền và quyền năng của Đức Chúa Trời. “Như mặt trời khi soi sáng hết mức”, Chúa chúng ta là Đức Chúa Trời của Lời, là Thượng Đế. 
 
Câu 17: “Vừa thấy người, tôi ngã xuống chân người như chết; nhưng người đặt tay hữu lên trên tôi, mà rằng: Đừng sợ chi, ta là Đấng trước hết và là Đấng sau cùng,”
Câu này bày tỏ cho chúng ta biết rằng chúng ta yếu đuối và tối tăm như thế nào trước sự thánh khiết của Đức Chúa Trời. Chúa chúng ta luôn luôn tuyệt đối và trọn vẹn, và đôi khi Ngài tỏ Ngài ra như một người bạn của những đầy tớ Đức Chúa Trời, và đôi khi như Đức Chúa Trời của sự đoán xét nghiêm nhặt. 
 
Câu 18: “là Đấng Sống, ta đã chết, kìa nay ta sống đời đời, cầm chìa khóa của sự chết và âm phủ”. 
Chúa chúng ta sống đời đời và có mọi quyền lực của Thiên đàng như là Người đại diện của Đức Chúa Cha. Là Cứu Chúa lẫn Quan Án của nhân loại, Ngài là Đức Chúa Trời, Đấng có nguyền trên sự sống đời đời và sự chết. 
 
Câu 19: ‘Vậy hãy chép lấy những sự ngươi đã thấy, những việc nay hiện có và những việc sau sẽ đến,’ 
Những đầy tớ của Đức Chúa Trời có nhiệm vụ ghi lại mục đích và công việc của Đức Chúa Trời, của hiện tại lẫn tương lai. Vì thế Chúa đã bảo Giăng rao truyền trong đức tin điều mà Ngài đã bày tỏ với ông, đức tin của hội thánh Đức Chúa Trời sẽ nhận được sự sống đời đời, và mọi điều sẽ đến trong tương lại. Đây là điều mà Đức Chúa Trời đã phán bảo chúng ta phải làm qua Giăng. 
 
Câu 20: “tức là sự mầu nhiệm của bảy ngôi sao mà ngươi thấy trong tay hữu ta, và của bảy chân đèn vàng. Bảy ngôi sao là các thiên sứ của bảy Hội thánh, còn bảy chân đèn là bảy Hội thánh vậy.”
“Sự mầu nhiệm của 7 ngôi sao” là gì? Đó là Đức Chúa Trời sẽ xây dựng Nước Ngài bằng cách khiến chúng ta trở nên dân sự của Ngài qua những đầy tớ Ngài. “Chân đèn vàng” tượng trưng cho những hội thánh của Đức Chúa Trời đã được xây nền qua những tín đồ, là những người tin nơi Phúc âm Nước và Thánh linh mà Đức Chúa Trời đã ban cho nhân loại. 
Qua những đầy tớ và những hội thánh của Ngài, Đức Chúa Trời đã bày tỏ cho những người tin mục đích của Ngài là gì và những gì đang chờ đợi thế giới này trong tương lai. Qua Lời mặc khải mà Ngài đã tỏ ra cho Giăng và khiến ông ghi lại, chúng ta cũng sẽ sớm nhìn thấy những công việc của Ngài bằng chính mắt chúng ta. Tôi cảm tạ và ngợi khen Đức Chúa Trời vì sự dự phòng của Ngài, là sự tỏ ra mọi điều sẽ xảy ra trong thế giới này. Qua Lời Khải thị, Ngài bày tỏ cho Giăng và khiến ông ghi chép lại, chúng ta cũng vậy, chúng ta cũng sẽ được xem lời Ngài bằng mắt của chúng ta. Tôi cảm tạ và ngợi khen Đức Chúa Trời vì Thánh ý của Ngài đã được bày tỏ tất cả mọi điều sẽ đến trong thế giới này.