Search

Preken

Chủ đề 11: Đền Tạm

[11-25] Bàn Thờ Xông Hương Là Nơi Đức Chúa Trời Ban Ân Điển Của Ngài (Xuất Ê-díp-tô Ký 30:1-10)

Bàn Thờ Xông Hương Là Nơi Đức Chúa Trời Ban Ân Điển Của Ngài
(Xuất Ê-díp-tô Ký 30:1-10)
“Ngươi cũng hãy đóng một cái bàn thờ bằng cây si-tim, để xông hương. Mặt bàn sẽ vuông, bề dài một thước, bề ngang một thước, và bề cao hai thước; bàn thờ sẽ có bốn sừng ló ra. Ngươi hãy bọc vàng ròng trên mặt, bốn cạnh chung quanh và các sừng; còn tứ vi chạy đường viền vàng.  Dưới đường viền đó, nơi hai bên, hãy làm hai cái khoen bằng vàng, để xỏ đòn dùng đặng khiêng. Hãy chuốt đòn khiêng bằng cây si-tim, bọc vàng. Ngươi sẽ để bàn thờ đó trước bức màn che hòm bảng chứng đối cùng nắp thi ân trên hòm, là nơi ta sẽ gặp ngươi. Mỗi buổi sớm mai, khi A-rôn làm đèn, sẽ xông hương tại nơi đó. Vào lúc chiều tối, khi A-rôn thắp đèn, cũng sẽ xông hương; ấy là một thứ hương phải xông trước mặt Đức Giê-hô-va luôn luôn, trải qua các đời. Trên bàn thờ nầy chớ xông hương lạ hoặc dâng của lễ thiêu, của lễ chay hay là lễ quán nào hết.  Nhưng trải qua các đời, mỗi năm một lần, A-rôn sẽ lấy huyết của con sinh tế chuộc tội, bôi trên sừng bàn thờ nầy đặng chuộc tội cho nó. Ấy sẽ là một việc rất thánh cho Đức Giê-hô-va.”
 

Nếu chúng ta bước vào trong Nơi Thánh, Ngôi Nhà của Đức Chúa Trời, trước tiên chúng ta sẽ nhìn thấy chân đèn, bàn bánh trần thiết, và bàn thờ xông hương. Bàn thờ xông hương được đặt trước lối vào Nơi Chí Thánh, nơi đặt nắp thi ân, trước chân đèn và bàn bánh trần thiết. Chiều dài và chiều rộng của bàn thờ xông hương này đều là một thước, trong khi chiều cao của nó là hai thước. Trong Kinh thánh, một thước có kích thước xấp xỉ 45-50 cm ngày nay. Vậy nên, bàn thờ xông hương là một hình vuông khá nhỏ, có kích thước chiều dài và chiều rộng khoảng 50 cm và cao 100 cm. Và giống như bàn thờ của lễ thiêu, bàn thờ xông hương cũng có các sừng ở bốn góc trên. Được làm bằng gỗ si-tim, bàn thờ xông hương hoàn toàn được bọc bằng vàng.
 

Bàn Thờ Xông Hương Trong Thánh Địa Có Bốn Sừng

Khi Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm dâng lễ vật trong Ngày Lễ Chuộc Tội mỗi năm một lần, ông phải bôi huyết của con sinh tế gánh chịu tội lỗi hàng năm của dân Y-sơ-ra-ên lên sừng của bàn thờ của lễ thiêu trong hành lang Đền Tạm. Tương tự, Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm cũng phải bôi huyết này lên các sừng của bàn thờ xông hương. Khi huyết này đã được dâng lên cho Đức Chúa Trời, nó đã giải quyết vấn đề tội lỗi đang ngăn cản dân Y-sơ-ra-ên khỏi Đức Chúa Trời. Tất cả chúng ta đều đã nhận được sự tha tội nhờ tin vào Phúc-âm của nước và Thánh Linh, và trong thời đại Tân Ước hiện nay, đức tin này của chúng ta là điều giúp cho chúng ta loại bỏ tất cả trở ngại khi chúng ta bước vào sự hiện diện của Đức Chúa Trời để cầu nguyện. Ngay cả những người công chính cũng phạm tội khi sống trên đất này. Tuy nhiên, bởi vì chúng ta tin vào phép báp têm của Chúa Jêsus và dòng huyết hy sinh của Ngài vốn đã được báo trước bởi hệ thống tế lễ của Cựu Ước, nên chúng ta vẫn có thể đến trước Đức Chúa Trời và dạn dĩ cầu nguyện với Ngài.   
Ngay cả những người công chính cũng có thể cảm thấy do dự khi đến trước sự hiện diện của Đức Chúa Trời bởi vì những tội lỗi mà họ phạm phải trên thế giới này, nhưng vào những lúc như thế này, họ vẫn có thể mạnh dạn đến với Đức Chúa Trời nhờ tin vào Phúc-âm của nước và Thánh Linh. Khi chúng ta tin vào Phúc-âm của nước và Thánh Linh của Đức Chúa Jêsus Christ, chúng ta có thể đến với Đức Chúa Trời một cách dạn dĩ mặc dù thân thể và tâm trí của chúng ta có thể vẫn còn yếu đuối. Đó là do chúng ta đã trở thành những người công chính bởi đức tin của mình nơi Phúc-âm của nước và Thánh Linh, và Chúa đã giải cứu chúng ta một lần đủ cả ra koir tất cả mọi sự vi phạm của chúng ta thông qua Lẽ Thật cứu rỗi được thể hiện trong sợi chỉ màu xanh, tím, và đỏ tươi của cánh cửa Đền Tạm. Do đó, chúng ta phải luôn luôn suy ngẫm về Phúc-âm của nước và Thánh Linh. Chúa Jêsus đã hoàn thành sự cứu rỗi hoàn hảo của chúng ta một lần đủ cả thông qua phép báp têm mà Ngài đã nhận từ Giăng Báp-tít cùng dòng huyết mà Ngài đã đổ ra trên thập tự giá, và có một sự khác biệt cơ bản về đức tin giữa những người tin vào sự cứu rỗi này và những người không tin. Những người công chính tin vào Phúc-âm của nước và Thánh Linh. Đó là lý do tại sao họ có thể cầu nguyện với Đức Chúa Trời mà không hề do dự, vì họ tin rằng Chúa Jêsus đã chấp nhận hết thảy tội lỗi của họ một lần đủ cả qua phép báp têm của Ngài và đổ huyết Ngài vì họ. Vì vậy, mọi người cũng phải tin rằng Chúa Jêsus đã gánh chịu tất cả tội lỗi của họ thông qua phép báp têm mà Ngài đã nhận từ Giăng Báp-tít, và rằng Ngài đã bị đoán phạt vì tất cả tội lỗi của họ qua việc tuôn đổ dòng huyết của Ngài trên thập tự giá. Chỉ khi đó người ta mới có thể trở thành một thầy tế lễ của đức tin trước mặt Đức Chúa Trời và cầu nguyện cho cả bản thân mình và những tội nhân khác. Tin rằng Đức Chúa Trời đã cứu chúng ta khỏi mọi tội lỗi của thế gian này chính là đức tin Cơ-đốc thật, và nền tảng của đức tin này là Phúc-âm của nước và Thánh Linh. 
Nhờ Phúc-âm của nước và Thánh Linh, tất cả chúng ta có thể khám phá ra Lẽ Thật cứu rỗi được thể hiện nơi chỉ xanh, tím, đỏ tươi, và vải gai đậu mịn của cánh cửa Đền Tạm. Và tất cả chúng ta có thể bước vào Nước của Đức Chúa Trời bởi việc tin vào Lẽ Thật Phúc-âm này. Vậy nên, tôi yêu cầu bạn tin rằng sự công chính của Đức Chúa Jêsus Christ là sự cứu rỗi của bạn, rằng Ngài đã gánh chịu tất cả tội lỗi của bạn, và rằng Ngài đã chịu đoán phạt vì tất cả tội lỗi của bạn trên thập tự giá. Sau đó, bạn sẽ được tự do khỏi mọi tội lỗi của mình mãi mãi. Chỉ bởi tin vào Phúc-âm của giao ước của Đức Chúa Trời, vào Lời Phúc-âm của nước và Thánh Linh, mà bạn có thể nhận được sự tha tội, trở thành một thánh đồ công chính, và được Đức Chúa Trời chấp thuận vì sở hữu đức tin đúng. Một khi bạn đạt được sự cứu rỗi của mình bởi việc tin vào Phúc-âm của nước và Thánh Linh, thì điều trước nhất phải làm đó là cầu nguyện với Đức Chúa Trời về công tác cứu rỗi của Ngài, tức là, về việc truyền bá Phúc-âm của nước và Thánh Linh trên toàn thế giới. Những tín đồ công chính nơi Phúc-âm của nước và Thánh Linh cầu nguyện với Đức Chúa Trời như vậy để rồi họ có thể rạng soi ánh sáng rực rỡ của Phúc-âm trên thế giới này thông qua Hội thánh của Đức Chúa Trời, chân đèn của Nơi Thánh của Đức Chúa Trời. Đức tin là tất cả những gì cần thiết hơn để chúng ta hỗ trợ chức vụ của Hội thánh Đức Chúa Trời và mang Phúc-âm nở rộ trên toàn thế giới. Nhờ nghe và tin vào Lời quý báu của Đức Chúa Trời do các tôi tớ của Ngài rao giảng mà mọi người trên khắp thế giới có thể nhận được sự tha tội và lớn lên trong đức tin.   
Đức tin của bạn tin Chúa Jêsus là Cứu Chúa của mình phải dựa trên Phúc-âm của nước và Thánh Linh. Và với tư cách là một thánh đồ công chính đã được cứu khỏi mọi tội mình, bạn phải đến với bàn thờ xông hương và đứng trước nắp thi ân trong Nơi Thánh. Tại sao điều này lại vô cùng cần thiết đến như vậy? Bởi vì bạn liên tục cần đến ân điển của Đức Chúa Trời. Bàn thờ xông hương là nơi chúng ta dâng lên những lời cầu nguyện với Đức Chúa Trời, vì hương ở đây ý nói đến những lời cầu nguyện của các thánh đồ (Khải Huyền 5:8). Chúng ta mặc lấy ân điển của Đức Chúa Trời bất cứ khi nào chúng ta đến trước bàn thờ xông hương và cầu nguyện với Đức Chúa Trời. Bàn thờ xông hương trong Nơi Thánh cho chúng ta thấy rằng việc cầu nguyện với Đức Chúa Trời bởi đức tin là con đường để tìm ra ân điển của Đức Chúa Trời. Đó là lý do tại sao chúng ta, những người tin vào Phúc-âm của nước và Thánh Linh phải tiếp tục đến bàn thờ xông hương và cầu nguyện với Đức Chúa Trời không ngừng bởi đức tin, để rồi chúng ta có thể mặc lấy ân điển của Đức Chúa Trời lần này đến lần khác.
 


Bàn Thờ Xông Hương Là Nơi Chúng Ta Cầu Xin Đức Chúa Trời Giúp Đỡ


Mặc dù chúng ta đã được tha tội nhờ tin vào Phúc-âm của nước và Thánh Linh, nhưng chúng ta vẫn cần đến sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời trong suốt phần đời còn lại của mình. Để chúng ta hiệp nhất với Hội thánh của Đức Chúa Trời và sanh ra bông trái thánh linh làm ánh sáng của thế gian này, thì luôn luôn không thể thiếu ân điển của Đức Chúa Trời. Vậy nên, điều vô cùng quan trọng đó là tất cả chúng ta phải cầu nguyện không ngừng với Đức Chúa Trời, cầu xin Ngài rằng: “Lạy Chúa, xin hãy giúp con. Hãy giữ con thật chặt. Hãy ban cho con đức tin. Hãy thêm sức cho con trong cả thể xác lẫn tinh thần. Hãy củng cố đức tin của con để rồi nó không bao giờ dao động. Hãy cắt bỏ tất cả ham muốn làm theo thế gian trong lòng con. Hãy loại bỏ tất cả những ước muốn không tin kính của con.” Đức Chúa Trời muốn chúng ta, những người công chính đến trước bàn thờ xông hương, quỳ gối xuống trước bàn thờ, và cầu nguyện với Ngài như vậy, hầu cho chúng ta có thể tìm thấy ân điển của Ngài trong mọi sự và nhận được phước hạnh của Ngài trong cả thể xác lẫn tâm linh. Đó là lý do tại sao mọi thánh đồ đã nhận được sự tha tội nhất định phải tiếp tục dẫn dắt một đời sống cầu nguyện tại bàn thờ xông hương.
Mặc dù chúng ta, những người công chính đã được tái sanh và đã được cứu khỏi mọi tội mình bởi việc tin vào Phúc-âm của nước và Thánh Linh, nhưng chúng ta vẫn cần cầu nguyện với Đức Chúa Trời để Ngài ban ân điển của Ngài trên chúng ta trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Bởi vì mặc dù chúng ta, những người công chính đã được tha tội, nếu chúng ta không tiếp tục được mặc lấy trong ân điển của Đức Chúa Trời, thì chúng ta không thể bước đi trên con đường sự sống hẹp mà Chúa muốn tất cả chúng ta phải theo. Đức Chúa Trời ban ân điển càng thêm trên những người công chính khi họ cầu nguyện với Ngài. Và điều này chỉ có thể xảy ra khi chúng ta ở trong Hội thánh của Đức Chúa Trời và vâng phục Lời của Ngài. Nói cách khác, những người công chính mặc lấy ân điển của Đức Chúa Trời khi họ thực hiện việc lành của Ngài trong sự hiệp một với Hội thánh của Ngài. Như đã đề cập, Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm bôi huyết của con sinh tế trên sừng của bàn thờ xông hương mỗi năm một lần. Điều này ngụ ý rằng bất cứ khi nào những người công chính chúng ta đến trước mặt Đức Chúa Trời, chúng ta phải tuyên xưng đức tin của mình và thưa với Ngài rằng: “Lạy Chúa, Ngài là Cứu Chúa của con. Ngài đã từ bỏ vinh hiển thiêng liêng của Ngài và đến đất này, hiện thân trong xác  thịt của con người; Ngài đã gánh chịu mọi tội lỗi của con bằng cách chịu báp têm; và Ngài đã tuôn đổ chính dòng huyết của Ngài thay cho con, tất cả đều để cứu lấy con.” Chỉ khi chúng ta có loại đức tin không rúng động này, đức tin rằng Đức Chúa Trời Đức Chúa Trời và Cứu Chúa của chính chúng ta, thì chúng ta mới có thể mặc lấy ân điển dư dật của Ngài. Bất kể hoàn cảnh sống của chúng ta có khó khăn đến đâu đi chăng nữa, thì Đức Chúa Jêsus Christ vẫn là Đức Chúa Trời và Cứu Chúa của chúng ta. Ngài chính là Đức Chúa Trời, Đấng đã cứu chúng ta khỏi mọi tội lỗi và mọi sự đoán phạt của chúng ta. Chính khi chúng ta cầu nguyện với Đức Chúa Trời bởi đức tin vững vàng này mà chúng ta được mặc lấy trong ân điển của Đức Chúa Trời. 
 


Chúng Ta Có Thể Khẳng Định Sự Cứu Rỗi Của Mình Một Lần Nữa Trong Mọi Lời Cầu Nguyện Của Chúng Ta


Trong lời cầu nguyện của mình, chúng ta có thể khẳng định lại một lần nữa rằng Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời của chính chúng ta. Và đức tin này là điều đem phước hạnh của Đức Chúa Trời đến cho chúng ta. Nói cách khác, chúng ta buộc phải quỳ xuống trước ngai ân điển của Đức Chúa Trời bởi vì chúng ta hoàn toàn tin chắc rằng Đức Chúa Trời nhất định sẽ ban phước cho chúng ta. Đức tin của chúng ta nơi Phúc-âm của nước và Thánh Linh đảm bảo rằng Đức Chúa Trời chắc chắn sẽ đáp lại mọi lời cầu nguyện của chúng ta bất cứ khi nào chúng ta cầu nguyện với Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời lắng nghe mỗi một lời cầu nguyện của những người công chính và ban phước cho tất cả họ. Vì vậy, bất cứ khi nào chúng ta cầu nguyện với Đức Chúa Trời, trước hết chúng ta nên suy ngẫm về ân điển của Ngài như sau: “Lạy Chúa, con tin vào sự công chính của Ngài. Con biết rằng đời sống của con đầy dẫy những sự bất toàn. Mặc dù con muốn sống theo ý muốn của Ngài, nhưng con có quá nhiều những sự bất toàn. Nhưng Chúa ơi, con cũng biết rằng Ngài đã đến đất này, hiện thân trong xác thịt của con người, rằng Ngài đã gánh chịu mọi tội lỗi của con bằng cách chịu báp têm bởi Giăng Báp-tít, rằng Ngài đã bị đóng đinh đến chết thay cho con, và rằng bởi thế nên Ngài đã trở thành Cứu Chúa của con. Ngài là Đấng Mê-si của con và là Đức Chúa Trời của sự cứu rỗi con. Vậy nên con hết lòng tin rằng Ngài sẽ ban ân điển của Ngài cho con, vì Ngài là Chúa của con.” 
Như vậy, bất cứ khi nào chúng ta cầu nguyện với Đức Chúa Trời để xin Ngài ban ân điển cho chúng ta, chúng ta nên suy ngẫm về ân điển này của Đức Chúa Trời và đặt tất cả sự tin cậy của chúng ta vào đó. Sau đó, chúng ta có thể mạnh dạn cầu xin Đức Chúa Trời về tất cả nhu cầu của mình, và Ngài sẽ phán với chúng ta rằng: “Đúng, con thực sự là con của Ta. Cũng như đức tin vững vàng của con, Ta thực sự là Đức Chúa Trời của con và con thực sự là một trong số các con dân của Ta. Vậy nên, Ta sẽ đáp lại lời cầu nguyện của con và luôn ban phước cho con. Ta sẽ gặp con trên nắp thi ân. Ta có thể nhìn thấy từ lời cầu nguyện của con rằng đức tin của con nơi Ta là kiên định, rằng con đã đặt trọn sự tin cậy của mình chỉ nơi Ta mà thôi, và rằng con hết lòng tin rằng Ta là Đức Chúa Trời của con. Vậy nên, Ta sẽ đáp lời cầu nguyện của con cho tất cả mọi người trên thế giới này đều biết rằng Ta thực sự là Đức Chúa Trời của con.”
Như vậy, chính lúc chúng ta tin vào Lẽ Thật cứu rỗi của Chúa thì Đức Chúa Trời mặc lấy chúng ta trong ân điển của Ngài và đổ phước hạnh của Ngài cho chúng ta. Việc chúng ta đã được cứu khỏi mọi tội lỗi của mình không phải là kết thúc của cả câu chuyện; ngược lại, nếu chúng ta thực sự đã được giải thoát khỏi tất cả tội lỗi của mình, thì chúng ta phải tin rằng phước hạnh của Đức Chúa Trời sắp bắt đầu. Do đó, nhờ tin vào sự công chính của Đức Chúa Trời nên chúng ta mặc lấy ân điển của Ngài mỗi ngày. Chỉ khi đó chúng ta mới có thể sống một cuộc đời tin kính. Đó là lý do tại sao chúng ta cầu nguyện với Đức Chúa Trời bất cứ khi nào có điều gì đó khiến chúng ta lo lắng trong tâm trí mình, thưa với Ngài rằng: “Chúa ơi, xin hãy giúp chúng con. Xin hãy giúp Hội thánh của Ngài. Hội thánh của Ngài đang rất cần đến sự giúp đỡ của Ngài để thực hiện công việc của Ngài ngay bây giờ.” Khi cả khi liên quan đến các công việc của thế gian, nếu bất cứ sự lo lắng hay các chủ đề cầu nguyện nào xuất hiện trong tâm trí của chúng ta, chúng ta nên đến với bàn thờ xông hương và cầu nguyện trước ngai ân điển với đức tin. Sau đó, chúng ta có thể thấy Chúa mặc lấy chúng ta trong ân điển của Ngài trong mọi sự.  
Ở đây, bạn nên nhớ rằng bàn thờ xông hương là nơi chúng ta tìm thấy ân điển từ Đức Chúa Trời. Các thánh đồ chúng ta nên cầu nguyện với Đức Chúa Trời không vì lý do nào khác hơn ngoại trừ để mặc lấy mọi ân điển của Ngài. Nói caasch khác, chính để nhận được phước hạnh của Đức Chúa Trời nên chúng ta cầu nguyện với Ngài. Giờ đây, chúng ta đã được cứu bởi đức tin, nên tất cả chúng ta nhất định không thể thiếu việc cầu nguyện với Đức Chúa Trời liên tục nếu chúng ta thực sự muốn sống phần đời còn lại của mình bằng cách tin nơi Lời hứa của Đức Chúa Trời và nhận lấy mọi phước hạnh của Ngài. Như vậy, bàn thờ xông hương là nơi để chúng ta mặc lấy ân điển của Đức Chúa Trời.  
Trở ngại lớn nhất mà chúng ta đối mặt khi cầu nguyện với Đức Chúa Trời là tội lỗi. Không ai trên thế giới này đang sống một cuộc đời hoàn mỹ cả. Vậy nên, khi chúng ta cố gắng đến với Đức Chúa Trời và cầu nguyện với Ngài, thì nguồn gốc đầu tiên của sự lưỡng lự chính là tội lỗi của chúng ta. Đó là lý do tại sao điều rất quan trọng đó là chúng ta phải suy ngẫm về Lẽ Thật cứu rỗi một lần nữa và làm mới lại niềm tin của mình rằng Chúa của chúng ta đã bôi xóa hét thảy tội lỗi của chúng ta bằng sợi chỉ xanh, tím, và đỏ tươi của cánh cửa Đền Tạm. Nói cách khác, chúng ta phải tin chắc rằng Đức Chúa Jêsus Christ, chính mình Đức Chúa Trời, đã đến đất này làm Cứu Chúa của chúng ta, gánh lấy mọi tội lỗi của chúng ta bằng cách chịu báp têm, và bị đoán phạt vì tất cả những tội lỗi này; và rằng nhờ Đức Chúa Trời và Cứu Chúa của mình mà chúng ta đã được tha thứ khỏi mọi tội lỗi của chúng ta. Chỉ khi chúng ta có đức tin này thì chúng ta mới có thể cầu xin Đức Chúa Trời về ân điển và phước hạnh của Ngài. Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể cầu nguyện xin Đức Chúa Trời ban phước cho mình. Để dạy cho chúng ta về bài học này, để nhắc nhở chúng ta về công tác cứu rỗi của Chúa mà huyết của con sinh tế đã được bôi trên các sừng của bàn thờ xông hương mỗi năm một lần. 
 


Chỉ Người Nào Được Đảm Bảo Về Sự Tha Tội Của Tất Cả Mọi Tội Mình Mới Có Thể Dạn Dĩ Cầu Nguyện Với Đức Chúa Trời


Khi cầu nguyện với Đức Chúa Trời, chúng ta có thể cầu xin Ngài về mọi nhu cầu của mình mà không do dự, gọi Ngài là Cha hoặc Cứu Chúa của chúng ta. Chúng ta có thể tự do gọi Ngài theo cách này bởi vì Đức Chúa Trời thực sự là Cha, Chúa, và là Đấng Cứu Thế của chúng ta. Nói cách khác, chúng ta không ngần ngại kêu cầu Đức Chúa Trời bằng nhiều danh hiệu khác nhau và cầu nguyện với Ngài bởi vì Ngài không chỉ là Đấng Tạo Hóa mà còn là Đấng Cứu Thế của chúng ta. 
Đây là cách mà tất cả chúng ta nên cầu nguyện với Chúa: “Lạy Chúa, cảm ơn Ngài vì đã cứu con ra khỏi tất cả tội lỗi của con. Con thực sự cần có phước hạnh và sự giúp đỡ của Ngài. Vì vậy, Chúa ơi, xin hãy giúp đỡ con và chăm xem con trên từng bước đi. Con đã làm tốt một số việc, nhưng con cũng đã phạm phải nhiều sai lầm, và con vẫn có một số lo lắng. Con giao phó hết thảy cho Ngài, Chúa ơi. Con cầu xin Ngài giúp con và dẫn dắt đường lối của con. Xin hãy dẫn con đến với những linh hồn hư mất hầu cho con có thể rao giảng Phúc-âm của Ngài cho họ và sanh bông trái thuộc linh dư dật cho Ngài. Xin hãy mở tấm lòng của họ và cày xới cánh đồng trong lòng họ để rồi con có thể gieo trồng hạt giống Phúc-âm trên họ. Con cầu xin Ngài cũng hãy giữ vững Hội thánh của Ngài và chăm xem các tôi tớ của Ngài. Xin hãy ban phước cho hết thảy, hầu cho Phúc-âm của nước và Thánh Linh có thể được rao giảng một cách có hiệu quả. Xin hãy để cho Phúc-âm này lan truyền khắp nơi trên bề mặt của trái đất. Tôi tớ Ngài cần có sự bảo vệ của Ngài, và vậy nên con cầu xin Ngài hãy gìn giữ họ dưới sự trông chừng của Ngài. Chúa ơi xin hãy ban phước cho con, và ban phước cho gia đình của con. Xin hãy ban phước cho các con của con. Xin hãy ban phước cho các thánh đồ nữa. Xin hãy ban phước cho tất cả các anh chị em đồng đạo của con trong Đấng Christ. Hãy ban phước dư dật để rồi ngay cả những người không tin đứng bên ngoài Hội thánh của Ngài cũng sẽ được cứu.” Khi chúng ta cầu nguyện và giao phó mọi niềm trông cậy cũng như mơ ước của chúng ta cho Đức Chúa Trời như vậy, chắc chắn Ngài sẽ đáp lời cầu nguyện của chúng ta và ban phước cho chúng ta. Đó là cách mà tất cả chúng ta có thể nhận được các phước hạnh dư dật của Đức Chúa Trời thông qua sự cầu nguyện. Và đó là cách mà chúng ta có thể tìm thấy ân điển càng thêm mỗi ngày. 
Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời của tất cả những ai tin vào sự công chính của Ngài. Ngài là Đức Chúa Trời của những ai tin vào Phúc-âm của nước và Thánh Linh một cách không rúng động. Vì vậy, Đức Chúa Trời không bao giờ không ban ân điển của Ngài trên tất cả các tín đồ của Ngài, những người dạn dĩ tiến đến ngai ân điển bởi đức tin vững vàng của họ và cầu xin ân điển cùng phước hạnh của Ngài, thưa rằng: “Lạy Chúa, con tin rằng Ngài là Đức Chúa Trời của con. Con tin rằng Ngài là Cứu Chúa của con. Xin hãy giúp con, Chúa ơi!”
Hỡi các tín hữu của tôi, tôi không thể nhấn mạnh được tầm quan trọng của việc tất cả chúng ta nhận ra rằng sự cứu rỗi của chúng ta ra khỏi tội lỗi của thế gian không phải là kết thúc của câu chuyện, nhưng chúng ta phải cầu nguyện với Chúa không thôi. Nếu lời cầu nguyện của bạn không được Chúa đáp lời hoặc nếu bạn thậm chí không biết cầu nguyện như thế nào, thì bạn nên xem xét lại đức tin của mình từng bước một và suy nghĩ xem Chúa thực sự là ai đối với bạn. Một sự hiểu biết rõ ràng về mối quan hệ của bạn với Chúa là hoàn toàn không thể thiếu. Nói cách khác, bạn phải đảm bảo rằng đức tin của mình đang đứng trên một vị trí vững vàng, nhận ra và hết lòng tin rằng Chúa là Đấng Tạo Hóa của trời và đất; và rằng Ngài đã đến đất này với hiện thân trong xác thịt của con người để cứu bạn; rằng Ngài đã gánh chịu mọi tội lỗi của bạn bằng cách chịu báp têm bởi Giăng Báp-tít; rằng Ngài đã chịu đoán phạt trên thập tự giá thế chỗ của bạn; rằng Ngài đã sống lại từ cõi chết trong ba ngày; và rằng Ngài vẫn còn sống như Cứu Chúa hằng sống của bạn. Bây giờ, vì bạn đã được cứu, nên Chúa đã trở thành Đấng Chăn Dắt của bạn và bạn là chiên của Ngài. Vì vậy, bạn không nên nghi ngờ về bất cứ điều gì mà Ngài sẽ trả lời bạn mỗi khi bạn cầu xin Ngài giúp đỡ.
 

Chúng Ta Phải Cầu Nguyện Cả Ngày Lẫn Đêm

Những ai trong chúng ta đã tiếp nhận Chúa là Cứu Chúa của mình bởi đức tin và trung tín cầu nguyện với Đức Chúa Trời ngày đêm sẽ nhận được ân điển cùng các phước hạnh dư dật của Ngài trong suốt cuộc đời của họ trên thế gian này. Ngược lại, những ai trong chúng ta không sốt sắng cầu nguyện vì bất cứ lý do gì, cho dù đó là vì họ tự đắc suy nghĩ rằng Chúa sẽ chu cấp mọi nhu cầu của họ ngay cả khi họ không cầu nguyện, hoặc là họ thiếu đức tin nơi Lời của Đức Chúa Trời, không thể nhận được phước hạnh của Đức Chúa Trời, vì bàn thờ xông hương không có trong đức tin của họ. Nếu bạn nghĩ rằng Đức Chúa Trời sẽ ban cho bạn mọi thứ bạn muốn ngay cả khi bạn không cầu nguyện chỉ vì bạn tin rằng Ngài là Đức Chúa Trời của bạn, thì đức tin của bạn đã đặt nhầm chỗ rồi. Nếu đây là sự thật thì lẽ ra đã không có bàn thờ xông hương ở Nơi Thánh. Bạn có nghĩ rằng Đức Chúa Trời đã lập nên bàn thờ xông hương chỉ vì buồn tẻ hay không? Không, tất nhiên là không! Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm A-rôn đã thắp hương trên bàn thờ xông hương bằng bốn loại hương vào mỗi sáng và mỗi tối. Sau đó, hương thơm ngào ngạt ngập tràn Nơi Thánh khi mùi hương cháy lan tỏa khắp nơi. Đây là một thứ hương thực sự tuyệt vời giúp chúng ta có thể dạn dĩ đến trước Đức Chúa Trời. Hương này cũng có tác dụng che đậy những sự bất toàn của chúng ta trước mặt Đức Chúa Trời. Ví dụ, Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm đã phải làm cho Nơi Chí Thánh ngập tràn hương thơm trước khi ông bước vào đó mỗi năm một lần, đảm bảo rằng hương khói sẽ bao phủ nắp thi ân trên Hòm Bảng Chứng, còn nếu không thì ông sẽ chết (Lê-vi Ký 16:12-13).
Hỡi các tín hữu của tôi, bất cứ khi nào chúng ta đến với Đức Chúa Trời, thì chúng ta phải có niềm tin trọn vẹn về sự thật rằng chúng ta đã được tha tội rồi, rằng Đức Chúa Trời bây giờ là Đức Chúa Trời của chúng ta, và rằng Ngài sẽ ban ân điển của Ngài cho chúng ta bất cứ khi nào chúng ta cầu nguyện với Ngài. Do đó, khi chúng ta bước vào sự hiện diện của Đức Chúa Trời bởi đức tin vững vàng này và dạn dĩ đứng trước ngai ân điển của Ngài, chúng ta chẳng những sẽ không đối mặt với sự đoán phạt, mà chúng ta còn sẽ mặc lấy ân điển của Đức Chúa Trời nữa. Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời của lòng thương xót, Đấng ban ân điển dư dật của Ngài cho tất cả chúng ta. 
 

Những Cái Khoen Gắn Vào Bàn Thờ Xông Hương Cũng Được Làm Bằng Vàng

Bàn thờ xông hương trong Thánh Địa của Đức Chúa Trời là một hình hộp chữ nhật (một khối đa diện có sáu mặt) dài và rộng khoảng 50 cm, cao 100 cm, và hai cặp khoen bằng vàng cũng được gắn vào hai bên bàn thờ. Sau đó, hai cái đòn được xỏ vào xuyên qua những cái khoen vàng này. Những cái đòn này cũng được làm bằng gỗ si-tim và được bọc bằng vàng. Mặc dù bàn thờ xông hương tương đối nhỏ nhưng nó phải được nâng lên bởi hai người nam. Vì chiều dài và chiều rộng của nó chỉ có khoảng 50 cm và chiều cao tối đa là 100 cm, nên nó có thể dễ dàng được nhấc lên và mang đi chỉ bởi một người nam, nhưng giống như tất cả các đồ dùng khác của Đền Tạm, điều đó không bao giờ được phép. Điều này ngụ ý rằng chúng ta, những người công chính, phải cầu nguyện với Đức Chúa Trời trong sự hiệp một, như Chúa Jêsus đã phán rằng: “Quả thật, ta lại nói cùng các ngươi, nếu hai người trong các ngươi thuận nhau ở dưới đất mà cầu xin không cứ việc chi, thì Cha ta ở trên trời sẽ cho họ” (Ma-thi-ơ 18:19). 
Những cái đòn của bàn thờ xông hương này cũng cho chúng ta thấy rằng chúng ta, những người được tái sanh, phải hầu việc Đức Chúa Trời bằng lời cầu nguyện của mình. Những lời cầu nguyện trong đức tin của chúng ta cũng là một cách để chúng ta hầu việc Chúa. Bây giờ, vì chúng ta đã được tái sanh khỏi tất cả tội lỗi của mình, nên chúng ta có thể hầu việc Đức Chúa Trời và Hội thánh của Ngài theo nhiều cách khác nhau, cho dù đó là bằng cách cầu nguyện hay tình nguyện phục vụ. Khi chúng ta cầu nguyện với Đức Chúa Trời, chúng ta không chỉ cầu nguyện cho mình, nhưng chúng ta cầu nguyện cho công việc của Đức Chúa Trời, Hội thánh của Ngài, các thành viên trong Hội thánh, và đặc biệt là cho việc truyền bá Phúc-âm. Nói cách khác, những lời cầu nguyện của chúng ta không chỉ cho phép chúng ta đứng trước ngai ân điển của Đức Chúa Trời và tìm thấy lòng thương xót của Ngài, nhưng chúng còn cho phép chúng ta hầu việc chức vụ của sự công chính của Đức Chúa Trời nữa. Bởi việc cầu nguyện trong sự hiệp một mà chúng ta có thể phục vụ Vương Quốc của Đức Chúa Trời. Khi chúng ta cầu nguyện cho các anh chị em tín hữu của mình, cho Hội thánh, cho các linh hồn lạc mất, cho việc mở rộng Vương Quốc của Đức Chúa Trời, và cho chức vụ về sự công chính của Đức Chúa Trời, chúng ta làm vậy để hầu việc Đức Chúa Trời. Đó là lý do tại sao điều vô cùng quan trọng đó là chúng ta phải nắm bắt được ẩn ý về việc các thầy tế lễ phụng sự Đức Chúa Trời tại bàn thờ xông hương trong Nơi Thánh. Chúng ta phải tha thiết cầu nguyện với Đức Chúa Trời bằng đức tin này. Cũng như chúng ta truyền bá Lời của Đức Chúa Trời để hầu việc Đức Chúa Trời và dân sự của Ngài, cho nên, chúng ta cũng cầu nguyện với Đức Chúa Trời để hầu việc Ngài và dân sự của Ngài. Tất cả chúng ta đều có nhiệm vụ hầu việc Đức Chúa Trời bằng mọi cách có thể. 
Điều quan trọng nhất bạn cần làm để sống một cuộc đời Cơ-đốc tin kính và phục vụ ý muốn của Đức Chúa Trời đó là đức tin nơi Đức Chúa Trời cùng sự công chính của Ngài. Bạn có thể truyền bá Lời của Đức Chúa Trời, cầu nguyện với Ngài, truyền bá Phúc-âm của nước và Thánh Linh, và phục vụ Đức Chúa Trời cùng sự công chính của Ngài chỉ duy bởi đức tin mà thôi. Mọi thứ chúng ta làm để phục vụ Đức Chúa Trời đều được thực hiện bởi đức tin. Bạn không bao giờ có thể dẫn dắt một đời sống đức tin tin kính nếu như bạn không chấp nhận ý muốn của Đức Chúa Trời. Tôi không thể nhấn mạnh đủ về tầm quan trọng của việc chúng ta cầu nguyện để phục vụ Đức Chúa Trời. Bất cứ khi nào các thánh đồ cùng nhau nhóm lại ở các nhà thờ tương ứng, từ các anh em của chúng ta cho đến các chị em và ngay cả là các con trẻ của chúng ta ở trường Chúa Nhật, trước hết, họ đều phải hầu việc Đức Chúa Trời. Chúng ta phải đến với nhau để chia sẻ bánh của Lời Đức Chúa Trời. Và chúng ta cũng phải hầu việc sự công chính của Đức Chúa Trời nữa. Những lời cầu nguyện của chúng ta dâng lên cho Đức Chúa Trời như một thứ hương thơm ngào ngạt khi những người được tái sanh chúng ta cầu nguyện với Ngài trong sự hiệp một, thưa rằng: “Lạy Chúa, xin hãy giữ vững và ban phước cho Hội thánh của Ngài, các tôi tớ, và các thánh đồ của Ngài trong Hội thánh trên toàn thế giới. Hãy ban phước cho linh hồn và trái tim của họ, và ban cho họ đức tin phước hạnh. Hãy cứu tất cả linh hồn vẫn còn đang lạc lối.” Khi tận hưởng hương thơm ngạt ngào của sự cầu nguyện, Đức Chúa Trời sẽ đáp lời chúng ta và ban phước cho chúng ta. Ngài đáp lời mọi điều mà chúng ta cầu xin Ngài trong sự cầu nguyện của chúng ta. Đây là ý nghĩa của việc phục vụ Đức Chúa Trời với lời cầu nguyện, và tôi khuyên tất cả các bạn hãy ghi nhớ công việc của Đức Chúa Trời trong những lời cầu nguyện của mình thay vì chỉ cầu nguyện cho những nhu cầu của bạn.
Trong khi mọi thánh đồ trong Hội thánh đều phải cầu nguyện, nếu bạn có thể dành nhiều thời gian hơn mọi người khác vì bất cứ lý do gì đó, cho dù đó là do bạn đã nghỉ hưu hay thậm chí là bạn bị bệnh, thì bạn thậm chí càng phải cầu nguyện nhiều hơn cho Hội thánh của Đức Chúa Trời, những người đầy tớ của Ngài, và các thánh đồ của Ngài. Điều này đặc biệt quan trọng đối với những bà nội trợ. Không phải vì thiếu tiền mà chúng ta không thể hầu việc Chúa. Bạn dư sức để hầu việc Chúa mà không cần bất cứ khoản tiền nào. Bạn có thể phục vụ Phúc-âm của nước và Thánh Linh nhiều như bạn muốn với đức tin của mình. Cũng như hai cái đòn được xỏ vào những cái khoen của bàn thờ xông hương để hai người nam vác trên vai của họ, những người nghèo vẫn có thể hầu việc Chúa bằng những lời cầu nguyện trong đức tin của họ, chỉ cần họ hiệp một với Hội thánh của Đức Chúa Trời. Tương tự như vậy, những người giàu cũng có thể hầu việc Chúa với của cải vật chất của họ. Đừng chỉ nói rằng: “Tôi quá bận rộn với công việc của mình nên không dành thời gian để phục vụ Chúa được. Chỉ là tôi không có bất cứ khoảng thời gian nào cả.” Mỗi một thánh đồ công chính đều có thể hầu việc Chúa và ý muốn của Ngài bằng đức tin, dù với những của dâng, những lời cầu nguyện, hay là việc rao giảng của Phúc-âm của mình. Tất cả chúng ta đều thừa sức để hầu việc ý muốn của Chúa, chỉ cần chúng ta có mong muốn để làm điều đó. Và tất cả những người được tái sanh chúng ta đều có thể nhận được các phước hạnh của Đức Chúa Trời, chỉ cần chúng ta khao khát chúng. 
 


Đức Chúa Trời Ban Phước Cho Tất Cả Chúng Ta, Những Người Tin Vào Phúc Âm Của Nước Và Thánh Linh


Chúa là Đấng Chăn Dắt của chúng ta. Mối quan hệ của chúng ta với Chúa mật thiết đến nỗi không có điều gì và không một ai có thể chia cách chúng ta khỏi Ngài.
Chúng ta hãy chuyển qua 26:26-28 ở đây: “Khi đương ăn, Đức Chúa Jêsus lấy bánh, tạ ơn rồi, bẻ ra đưa cho môn đồ mà rằng: Hãy lấy ăn đi, nầy là thân thể ta. Ngài lại lấy chén, tạ ơn rồi, đưa cho môn đồ mà rằng: Hết thảy hãy uống đi; vì nầy là huyết ta, huyết của sự giao ước đã đổ ra cho nhiều người được tha tội.”
Tên “Jêsus” có nghĩa là Đấng Cứu Thế hoặc là Đấng Mê-si, và chúng ta gọi Ngài là Chúa của chúng ta để chứng tỏ rằng Ngài là Đức Chúa Trời và là Chủ của chúng ta. Chúa Jêsus của chúng ta đã đến đất này như Cứu Chúa của chính chúng ta để giải cứu cho tất cả chúng ta. Chính Đức Chúa Trời đã đến đất này, hiện thân trong xác thịt của con người. Và ngay trước khi chết trên thập tự giá, Chúa chúng ta đã chuẩn bị Bữa Ăn Tối Cuối Cùng, cùng nhóm họp lại với các môn đồ của Ngài, và ban cho họ bánh và rượu, nói với họ rằng: “Hãy lấy bánh và ăn đi; đây là thân thể Ta. Hãy lấy chén này và uống đi. Đây là huyết của giao ước Ta, đổ ra cho nhiều người để được tha tội.” Điều này có nghĩa là Đức Chúa Trời đã cứu chúng ta bằng cách đến đất này làm Cứu Chúa của chính chúng ta và đích thân thực hiện Lời hứa của Ngài thông qua nước và Thánh Linh chính xác như đã được tiên tri trong Cựu Ước. Do đó, khi đến đất này với tư cách là Cứu Chúa của chúng ta, Chúa đã chấp nhận tất cả tội lỗi của thế gian này bằng cách chịu báp têm bởi Giăng Báp-tít trên sông Giô-đanh. Sau đó, Ngài đã từ bỏ thân thể của Ngài trên thập tự giá, và bởi thế mà gánh chịu mọi sự đoán phạt của mọi người trên thế gian này. Và Ngài đã ban cho chúng ta đời sống mới bằng cách sống lại từ cõi chết. 
Huyết của con sinh tế đã được bôi trên bàn thờ xông hương nói đến cái chết thuộc thể của Đức Chúa Jêsus Christ. Tương tự như vậy, sau khi gánh chịu hết thảy tội lỗi của chúng ta thông qua phép báp têm của Ngài, Đức Chúa Jêsus Christ đã hy sinh chính mình Ngài và tuôn đổ dòng huyết của chính Ngài trên thập tự giá vì chúng ta. Nhờ sự hy sinh này mà chúng ta đã được cứu. Nhờ đức tin của chúng ta nơi Phúc-âm của nước và Thánh Linh này mà chúng ta đã đạt được sự cứu rỗi của mình. Không phải bởi bất cứ đức tin mù quáng hay tự tiện nào mà chúng ta đã được cứu khỏi mọi tội mình, bèn là chỉ bởi Chúa Jêsus, chính Đức Chúa Trời, đã đến đất này làm Cứu Chúa của chúng ta, gánh chịu mọi tội lỗi của chúng ta trên chính thân thể của Ngài bằng cách chịu báp têm, và tuôn đổ dòng huyết quý báu của Ngài vì tất cả chúng ta. 
Đó là cách mà Đức Chúa Trời đã hoàn thành sự cứu rỗi của chúng ta, vốn được ngụ ý trong sợi chỉ xanh, tím, đỏ tươi, và vải gai đậu mịn của cánh cửa Đền Tạm. Màu tím ở đây chỉ ra rằng Vua của các vua đã trở thành một Con Người. Nó dạy chúng ta biết rằng Chúa Jêsus đã chấp nhận hết thảy tội lỗi của chúng ta bằng cách chịu báp têm bởi Giăng Báp-tít và trả hết mọi tiền công của tội lỗi chúng ta bằng cách tuôn đổ dòng huyết của Ngài thay cho chúng ta. Đây là cách Chúa đã trở thành Đấng Cứu Thế của chính chúng ta. Đức tin nơi Phúc-âm của nước và Thánh Linh này chính là đức tin giúp chúng ta có thể dự phần vào Tiệc Thánh. Khi Chúa Jêsus chuẩn bị cho Bữa Ăn Tối Cuối cùng, Ngài không chỉ chuẩn bị bánh mà còn chuẩn bị rượu; và Ngài đã bảo các môn đồ của Ngài uống và ăn. Bánh ở đây nói đến thân thể của Chúa Jêsus, ngụ ý rằng chính Đức Chúa Trời đã trở thành một Con Người để cứu tội nhân chúng ta. Bánh cũng ngụ ý rằng bằng cách chịu báp têm trên sông Giô-đanh, Chúa Jêsus đã gánh chịu mọi tội lỗi của chúng ta trên chính thân thể của Ngài. Mặt khác, rượu nói đến huyết của sự sống và của sự cứu rỗi mà Chúa Jêsus đã đổ ra trên thập tự giá thay cho chúng ta.  
Vì vậy, bất cứ khi nào chúng ta dự phần vào Tiệc Thánh, tất cả chúng ta tuyệt đối phải có đức tin không rúng động này, rằng chính Đức Chúa Trời đã đến đất này, hiện thân trong xác thịt của con người để cứu chúng ta, rằng Ngài đã gánh chịu hết thảy tội lỗi của chúng ta lên chính thân thể của Ngài bởi việc chịu báp têm, và rằng bởi thế mà Ngài đã cứu chúng ta cũng như trở thành Cứu Chúa của cá nhân chúng ta. Tuy nhiên, đáng buồn thay, hầu hết các Cơ-đốc-nhân đều không biết lý do chính xác tại sao Đức Chúa Jêsus Christ lại thiết lập nên nghi thức của Tiệc Thánh này và ra lệnh cho chúng ta giữ nó cho đến khi Ngài trở lại. Bạn đừng bao giờ xem nhẹ đời sống đức tin của mình. Nếu bạn vẫn không chắc rằng Chúa Jêsus là Cứu Chúa của bạn, thì bạn nên suy nghĩ thật lâu và thật kỹ về đức tin của mình trước khi nhận bánh và rượu của Chúa Jêsus trong Tiệc Thánh. Thay vì xúc động hết mức, hãy suy nghĩ cẩn trọng và nghiêm túc hỏi bản thân mình xem liệu Chúa có thực sự là Chúa của bạn hay không.   
Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời của bạn và tôi. Ngài đã tạo ra tổ tiên của bạn và tôi. Và Ngài đã cho phép chúng ta được sinh ra trên đất này. Đức Chúa Trời này không ai khác ngoài Chúa Jêsus. Và Chúa Jêsus, chính Đức Chúa Trời, đã đến đất này như Cứu Chúa của chính chúng ta. Sau khi đến đất này với tư cách là Cứu Chúa của chúng ta để cứu chúng ta, Ngài đã gánh chịu mọi tội lỗi của chúng ta trên thân thể của Ngài qua phép báp têm của Ngài. Sau đó, Ngài đã thành tín mang từng một tội lỗi này của chúng ta lên thập tự giá, không bao giờ tự giải thoát mình khỏi bất cứ tội lỗi nào, và chịu lấy hình phạt của thập tự giá mà chỉ có những kẻ đáng nguyền rủa mới phải chịu, hầu cho chúng ta sẽ không bị đoán phạt vì cớ tội lỗi của mình. Đây là cách mà Chúa đã cứu chúng ta khỏi mọi sự đoán phạt của mình.
Bạn có thể dễ dàng hiểu được Lẽ Thật cứu rỗi này nếu bạn chỉ suy nghĩ về Phúc-âm của nước và Thánh Linh dù trong giây lát mà thôi. Được cứu khỏi mọi tội lỗi của thế gian chính là chấp nhận Phúc-âm của nước và Thánh Linh trong lòng bạn. Tôi tin rằng Chúa đã cứu tôi khỏi tất cả tội lỗi của tôi thông qua nước và huyết của Ngài. Bản thân tôi đã chẳng làm gì cho sự cứu rỗi của mình cả. Khi Chúa Jêsus đến đất này, khi Ngài được sinh ra trong một cái chuồng chiên bé nhỏ ở Bết-lê-hem, tôi đã không có ở đó, và tôi cũng không can thiệp vào theo bất cứ hình thức nào, tôi càng không xin Đức Chúa Trời cứu tôi. Nhưng Chúa đã đến đất này, hiện thân trong xác thịt của con người, không kể đến ý định của tôi, tất cả đều là để cứu lấy tôi. Tôi hoàn toàn tin chắc rằng chính vì để cứu tôi mà Chúa Jêsus đã đến đất này, chịu báp têm, và đổ huyết Ngài trên thập tự giá. 
Đức Chúa Cha yêu thương thế gian đến nỗi Ngài đã ban Con Độc Sanh của Ngài. Chính Đức Chúa Trời đã đến đất này để cứu từng người một. Và Ngài thực sự đã cứu bạn và tôi ra khỏi hết thảy tội lỗi của chúng ta, và Ngài đã trở thành Cứu Chúa của bạn và tôi. Tất cả những gì chúng ta phải làm để đạt được sự cứu rỗi của chúng ta đó là tin cậy nơi Đức Chúa Jêsus Christ, Đấng chính là Đức Chúa Trời, và chấp nhận công tác cứu rỗi mà Ngài đã làm cho chúng ta trong lòng. Chỉ những ai hoàn toàn kiệt sức, những ai từ bỏ nỗ lực của chính mình khi nhận ra sự vô dụng của nó, và những ai hoàn toàn giao phó sự tha tội cùng sự cứu rỗi của mình cho Đức Chúa Trời—chỉ những người như vậy mới có thể tìm thấy ân điển từ nơi Đức Chúa Trời. Mặc dù điều này có vẻ khó hiểu trong suy nghĩ của bạn, nhưng thực sự chính Đức Chúa Trời đã hoàn thành sự cứu rỗi của chúng ta một cách trọn vẹn để giải cứu hết thảy chúng ta. Do đó, ngoài việc tin nơi công tác cứu rỗi của Đức Chúa Trời thì chúng ta chẳng còn gì khác để làm cả. 
 

Hãy Hoàn Toàn Giao Phó Chính Mình Cho Đức Chúa Trời

Bạn nhất định phải giao phó chính mình cho Đức Chúa Trời. Hãy nghĩ về những điều mà Đức Chúa Trời đã làm cho bạn. Chính Đức Chúa Trời đã trở thành một con người. Và Đức Chúa Trời đã làm điều này chỉ để cứu bạn và tôi. Hơn nữa, Chúa Jêsus, vốn chính là Đức Chúa Trời, đã chịu báp têm vì chúng ta để gánh chịu mọi tội lỗi của chúng ta và bôi xóa hết thảy chúng. Chúa Jêsus cũng đã bị đóng đinh đến chết, tuôn đổ dòng huyết báu của Ngài vì chúng ta trên thập tự giá. Do đó, Ngài đã chịu đoán phạt thay cho chúng ta, tất cả là để trả giá cho từng một tội lỗi của chúng ta, để giải cứu chúng ta khỏi sự đoán phạt của chúng ta, và khiến chúng ta có thể thoát khỏi sự phán xét của mình. Sau đó, Ngài đã sống lại từ cõi chết trong ba ngày để đưa chúng ta về với sự sống mới và vĩnh cửu.
Và giờ đây, Ngài đang ngồi bên hữu của ngai Đức Chúa Cha và chăm xem tất cả chúng ta. Ngài đang để ý xem ai sẵn lòng giao phó mọi điều của mình cho Ngài, chính Đức Chúa Trời và Đấng Cứu Thế, và ai hết lòng tin nơi Ngài. Những người đã tiếp nhận Chúa Jêsus là những người đã giao phó mọi điều của họ cho Đức Chúa Trời. Họ tin rằng Chúa đã cứu họ một cách trọn vẹn. Họ biết rằng mình chẳng làm gì cho sự cứu rỗi của họ cả. Họ chắc chắn rằng chỉ bởi tình yêu của Ngài nên Đức Chúa Trời đã cứu họ thông qua Lẽ Thật cứu rỗi được mặc khải nơi sợi chỉ màu xanh, tím, và đỏ của cánh cửa Đền Tạm. Và đối với tất cả những người đã hoàn toàn giao phó chính mình cho Đức Chúa Trời, và những người đã chấp nhận Đức Chúa Trời cùng Lời Ngài vào trong lòng họ, thì Đức Chúa Trời đã ban cho họ quyền trở thành con cái của chính mình Ngài.
Vì vậy, tôi yêu cầu tất cả các bạn phải có một sự hiểu biết rõ hơn về Lẽ Thật cứu rỗi này trước khi bạn dự Tiệc Thánh. Phép báp têm mà Chúa Jêsus đã nhận là để gánh chịu mọi tội lỗi của bạn và chuộc tội cho chúng. Cái chết thuộc thể mà Chúa Jêsus đã chịu là để cứu bạn và tôi ra khỏi mọi tội lỗi của chúng ta. Do đó, sau khi gánh chịu tất cả tội lỗi của chúng ta, Chúa Jêsus đã bị đóng đinh cho đến chết, tuôn đổ hết huyết của Ngài thay cho chúng ta, và Ngài đã bị đoán phạt như vậy để giải thoát chúng ta khỏi sự đoán xét của tội lỗi và khiến chúng ta trở nên công chính.
Đối với tất cả chúng ta, những người đang ở trong và cầu nguyện ở Nơi Thánh, Đức Chúa Trời đã ban bàn thờ xông hương để mặc lấy chúng ta trong ân điển của Ngài. Đây là nơi chúng ta có thể tìm thấy ân điển của Đức Chúa Trời. Vậy nên, tôi khuyên mỗi một người trong các bạn hãy hoàn toàn giao phó chính mình cho Chúa.  
Ha-lê-lu-gia!