Search

Sermões

Chủ đề 11: Đền Tạm

[11-32] Của Lễ Chuộc Tội Để Tấn Phong Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm (Xuất Ê-díp-tô Ký 29:1-14)

Của Lễ Chuộc Tội Để Tấn Phong Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm
(Xuất Ê-díp-tô Ký 29:1-14)
“Đây là điều ngươi sẽ làm đặng biệt A-rôn và con trai người riêng ra thánh, để họ làm chức tế lễ trước mặt ta. Hãy bắt một con bò tơ đực và hai con chiên đực không tì vít, dùng bột mì thiệt mịn làm bánh không men, bánh nhỏ không men nhồi với dầu, và bánh tráng không men tẩm dầu; rồi để các bánh đó trong một giỏ dâng luôn lên cùng bò tơ đực và hai chiên đực. Đoạn, ngươi sẽ biểu A-rôn cùng các con trai người đến gần nơi cửa hội mạc, rồi lấy nước tắm cho họ. Kế đó, lấy bộ áo mặc cho A-rôn, tức là áo lá mặc trong, áo dài của ê-phót, ê-phót, và bảng đeo ngực, rồi lấy đai của ê-phót thắt lưng cho người; đoạn đội cái mũ lên đầu và để thẻ thánh trên mũ, cùng lấy dầu xức đổ trên đầu và xức cho người. Lại biểu các con trai A-rôn đến gần mặc áo lá cho họ, rồi lấy đai thắt lưng và đội mũ cho A-rôn cùng các con trai người. Thế thì, chức tế lễ sẽ bởi mạng lịnh định đời đời cho họ. Ngươi lập A-rôn và các con trai người là thế. Đoạn, hãy dắt con bò tơ đực lại gần trước hội mạc, A-rôn cùng các con trai người sẽ nhận tay mình trên đầu con bò đó. Ngươi hãy giết bò đực trước mặt Đức Giê-hô-va, tại nơi cửa hội mạc; rồi lấy huyết bò đó, nhúng ngón tay vào, bôi các sừng của bàn thờ, và đổ khắp dưới chân bàn thờ.  Cũng hãy lấy hết thảy những mỡ bọc ruột, tấm da mỏng bọc gan, hai trái cật và mỡ trên trái cật, mà đem xông trên bàn thờ. Nhưng ở ngoài trại quân hãy thiêu hết thịt, da, và phẩn của con bò đực đó; ấy là một của lễ chuộc tội vậy.”
 

Hôm nay chúng ta chuyển sự chú ý của mình đến lễ tấn phong của Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm. Ở đây, Đức Chúa Trời đã truyền cho Môi-se cách tấn phong A-rôn và các con trai của ông một cách chi tiết. Từ “lập” trong câu 9 có nghĩa là thánh hóa, chuẩn bị, hiến dâng, tôn vinh, hoặc được coi là thiêng liêng. Nói cách khác, được tấn phong có nghĩa là được thánh hóa và hiến dâng cho Đức Chúa Trời. Vì vậy, “được lập làm Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm” có nghĩa là “được biệt riêng ra để được ban cho quyền phép và nhiệm vụ của Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm”. Đức Chúa Trời đã ban cho A-rôn cùng các con trai của ông quyền trở thành Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm và chức tế lễ, điều cho phép họ làm cho dân sự được tha tội.
Đức Chúa Trời đã lệnh cho Môi-se mặc lấy A-rôn bằng những trang phục của Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm và đội mũ lên đầu ông, và cho các con trai của ông mặc áo lá. Sau đó, để A-rôn được tấn phong làm Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm và các con trai của ông trở thành các thầy tế lễ, họ phải lấy một con bò đực và hai con chiên đực cho sự dâng mình. Nhiệm vụ quan trọng nhất của Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm đó là dâng lên của lễ chuộc tội vào Ngày Lễ Chuộc Tội để xóa bỏ tội lỗi của toàn bộ dân Y-sơ-ra-ên. Và để làm như vậy, chính A-rôn và các con trai của ông phải được tẩy rửa tội lỗi của họ trước tiên, và đó là lý do tại sao họ phải dâng của lễ chuộc tội cho bản thân mình trước vào ngày họ được tấn phong. 
Điều mà chúng ta phải nhận ra ở đây đó là ngay cả Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm cũng phải đặt tay mình trên đầu của những lễ vật hy sinh trước khi ông giết chúng để dâng huyết của chúng lên cho Đức Chúa Trời, tất cả đều đúng với hệ thống tế lễ mà Ngài đã thiết lập. Trong bảy ngày, Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm phải dâng lên những lễ vật như của lễ chuộc tội cùng với của lễ thiêu, của lễ đưa qua đưa lại, và của lễ cầu an cho sự tấn phong của ông.
Giống như những của lễ được dâng cho chính Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm và gia đình của ông, ông cũng phải đặt tay mình lên đầu của các con sinh tế để truyền tội lỗi của dân Y-sơ-ra-ên cho chúng trước khi giết chúng, và lấy huyết của chúng. Đối với nhiệm vụ phụng sự Đức Chúa Trời với tư cách là Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm, ông đã phải học hỏi chi tiết về cách dâng lễ vật để xóa tội cho dân sự của mình. Việc Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm dâng lên của lễ chuộc tội để tẩy sạch tội lỗi của chính ông trước có nghĩa là ông đang được đào tạo về cách dâng lên của lễ cho dân sự mình—tức là, cũng bằng cách đặt tay mình trên đầy của lễ vật, lấy huyết của nó và bôi huyết này trên bàn thờ của lễ thiêu, và đổ phần còn lại trên mặt đất. 
Ở đây, Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm phải nhớ rằng để truyền tội lỗi của mình và tội lỗi của dân sự mình; ông phải đặt tay mình trên đầu của lễ vật. Như Xuất Ê-díp-tô Ký 29:10-12 nói rằng, “Đoạn, hãy dắt con bò tơ đực lại gần trước hội mạc, A-rôn cùng các con trai người sẽ nhận tay mình trên đầu con bò đó. Ngươi hãy giết bò đực trước mặt Đức Giê-hô-va, tại nơi cửa hội mạc; rồi lấy huyết bò đó, nhúng ngón tay vào, bôi các sừng của bàn thờ, và đổ khắp dưới chân bàn thờ.” 
Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm và các con trai của ông đã được truyền lệnh rằng họ tuyệt đối phải đặt tay mình trên đầu con bò đức, của lễ hiến tế của họ. Bởi vì khi A-rôn, Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm và các con trai của ông đặt tay mình trên đầu của con vật hiến tế, thì tất cả tội lỗi của họ đều được truyền cho nó. Và bởi vì của lễ hiến tế này đã chấp nhận tội lỗi của Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm và các con trai ông bởi việc đặt tay của họ, nên nó phải đổ huyết ra và chết. Sau đó, Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm lây huyết của nó, bôi huyết nó lên các sừng của bàn thờ của lễ thiêu, và đổ phần còn lại trên mặt đất. Ông phải lấy tất cả mỡ bọc trong ruột, tấm da mỏng bọc gan, và hai trái cật cũng như mỡ trên trái cật, và rồi ông đốt chúng trên bàn thờ. 
Trong trường hợp của lễ chuộc tội để chuộc tội cho bất cứ người dân thường nào đã vô ý phạm tội, người đó sẽ đem một con dê con, một con cái không tỳ vết, vì tội lỗi mà mình đã phạm. “Nhận tay mình trên đầu con sinh tế chuộc tội, rồi giết nó trong nơi giết con sinh dùng làm của lễ thiêu. Thầy tế lễ sẽ nhúng ngón tay mình trong huyết, bôi trên các sừng bàn thờ về của lễ thiêu,và đổ hết huyết dưới chân bàn thờ; rồi, gỡ hết mỡ như cách gỡ mỡ về của lễ thù ân, đem xông trên bàn thờ, làm của lễ có mùi thơm dâng cho Đức Giê-hô-va. Ấy vậy, thầy tế lễ sẽ chuộc tội cho người đó, thì tội người sẽ được tha” (Lê-vi Ký 4:29-31). 
Sự đặt tay và đổ huyết này của lễ vật đã tạo thành các yếu tố cần thiết của hệ thống tế lễ do Đức Chúa Trời đặt ra. Ngay cả trước khi sáng thế, Đức Chúa Trời đã lập ra kế hoạch này trong Đức Chúa Jêsus Christ để xóa bỏ tất cả tội lỗi của chúng ta bằng sự thật được ẩn giấu trong sợi chỉ màu xanh, tím, đỏ, và vải gai đậu mịn. Đức Chúa Trời đã hứa với dân Y-sơ-ra-ên rằng Ngài sẽ gặp họ bất cứ khi nào họ dâng của lễ thiêu cho Ngài. Xuất Ê-díp-tô Ký 29:42 tuyên bố, “Ấy là một của lễ thiêu mà các ngươi phải dâng luôn luôn, trải qua các đời, tại cửa hội mạc trước mặt Đức Giê-hô-va, là nơi ta sẽ giáng lâm mà phán cùng.” Của lễ thiêu mà các thầy tế lễ đã dâng lên mỗi buổi sáng và tối là của lễ được dâng lên qua nhiều thế hệ, ngay cả bởi chúng ta, dân Y-sơ-ra-ên thuộc linh, những người đã được tha tội nhờ tin vào Phúc-âm của nước và Thánh Linh. Đức Chúa Trời đang phán với chúng ta rằng Ngài sẽ gặp gỡ chúng ta thông qua những của lễ này.
 


Của Lễ Thiêu Do Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm Dâng Lên Có Ý Nghĩa Gì?


Bởi vì của lễ hiến tế chấp nhận mọi sự vi phạm của tội nhân, những người đặt tay họ lên đầu của nó, nên nó phải chết thế cho họ và bị đoán phạt bằng cách bị thiêu đốt. Điều Đức Chúa Trời muốn từ chúng ta thông qua của lễ chuộc tội của hệ thống tế lễ là để chúng ta thú nhận rằng: “Bởi vì tôi đã phạm phải những tội lỗi như vậy trước mặt Đức Chúa Trời, nên tôi phải nhận lấy sự đoán phạt của tội lỗi ấy.” Để chúng ta tẩy sạch tội lỗi của mình, theo luật pháp cứ rỗi của Đức Chúa Trời, chúng ta phải đặt tay mình lên đầu của lễ vật hiến tế của mình, lấy huyết của nó, bôi huyết này lên các sừng của bàn thờ của lễ thiêu, đổ phần còn lại trên đất, thiêu thịt của nó trên bàn thờ của lễ thiêu, và bởi đó mà nhận được sự tha tội theo ân điển nơi sự công chính của Đức Chúa Trời.
Trước tiên, chúng ta phải thừa nhận tất cả những tội lỗi mà mình đã phạm bằng cả tấm lòng và hành động của mình trước mặt Đức Chúa Trời. Và chúng ta phải thừa nhận rằng mình không thể tránh khỏi việc bị đoán phạt vì những tội lỗi này. Nhưng chúng ta không thể cảm tạ Đức Chúa Trời đủ về sự cứu rỗi hoàn hảo của Ngài. Đức Chúa Trời yêu thương chúng ta chúng ta đến nỗi Ngài đã ban Con Độc Sanh của Ngài. Đức Chúa Jêsus Christ đã gánh lấy mọi tội lỗi của chúng ta thông qua phép báp têm của Ngài và Ngài đã đền tội cho tất cả những tội lỗi đó bằng sự chết của Ngài trên thập tự giá để bất cứ ai tin nơi Ngài đều không bị hư mất mà có được sự sống đời đời. 
Hệ thống tế lễ yêu cầu các lễ vật phải được dâng lên thông qua việc đặt tay và sự đổ huyết của chúng. Điều này biểu thị bằng chứng về đức tin xóa bỏ tất cả tội lỗi của chúng ta, và do đó chúng ta phải tin vào điều đó. Việc mỗi tội nhân đặt tay mình trên đầu của lễ hiến tế có nghĩa là tội lỗi của họ đã được chuyển cho nó. Ngay cả Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm cũng phải thú nhận rằng: “Tôi đã có những tội lỗi như vậy trước mặt Đức Chúa Trời, và do đó, tôi phải bị chết”, khi ông dâng lên một của lễ chuộc tội. Nhưng nhờ tin rằng Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta của lễ chuộc tội để giải thoát chúng ta ra khỏi tội lỗi, và rằng Đức Chúa Trời đã cho chúng ta có thể nhận được sự tha tội bằng cách tin vào của lễ này, mà chúng ta có thể được cứu.
Đức Chúa Trời phán rằng: “Ta sẽ gặp ngươi tại đó.” Ngài đã phán điều này không chỉ với Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm, mà còn với tất cả dân thường, nghĩa là Đức Chúa Trời sẽ ban sự tha tội cho tất cả chúng ta và bởi thế mà khiến chúng ta trở thành dân sự của chính mình Ngài. Vậy thì Đức Chúa Trời gặp chúng ta bằng cách nào? Bởi vì Đức Chúa Trời có kế hoạch cứu rỗi dành cho chúng ta, nên chắc chắn Ngài chỉ gặp những ai dâng của lễ chuộc tội của mình theo hệ thống tế lễ mà Ngài đã thiết lập. Bởi vì Đức Chúa Trời biết rất rõ rằng loài người được sinh ra là tội nhân, và rằng họ cũng bị ràng buộc với tội lỗi, nên Ngài muốn tẩy sạch mọi tội lỗi của chúng ta theo lòng thương xót của Ngài, điều được thể hiện trong hệ thống tế lễ về sự cứu rỗi của Ngài, và bởi đó mà khiến chúng ta trở thành con cái của chính mình Ngài. Đây là lý do tại sao Đức Chúa Trời đã lập ra hệ thống tế lễ mà thông qua đó vô số dân Y-sơ-ra-ên có thể truyền tội của họ cho của lễ hy sinh khi họ đặt tay mình lên đầu nó.
Phương pháp mà dân Y-sơ-ra-ên đã dùng để truyền tội của họ lên những của lễ hiến tế đó là thông qua việc “đặt tay” như vậy. Dân Y-sơ-ra-ên đã vi phạm luật pháp của Đức Chúa Trời vô số lần và phạm phải đủ mọi loại tội. Nhưng bởi vì họ có thể chuyển tất cả những sự vi phạm của mình cho các của lễ hiến tế của họ thông qua phương pháp “đặt tay” này, nên họ có thể tẩy sạch mọi tội lỗi của họ. Chính nhờ điều này mà Đức Chúa Trời có thể ngự với những người Y-sơ-ra-ên đó, những người tin nơi Ngài, trở thành Đức Chúa Trời của họ, khiến họ trở thành dân sự của chính mình Ngài, dẫn dắt họ, và ban cho họ các phước hạnh từ trời cũng như phước hạnh của sự màu mỡ trên đất này. Tất cả những điều này có thể trở thành hiện thực thông qua đức tin của họ nơi hệ thống tế lễ của Đền Tạm.
Tất cả các khía cạnh như vậy của hệ thống tế lễ thuộc Đền Tạm đã được Đức Chúa Trời đặt ra trước, và dân Y-sơ-ra-ên có thể được thanh tẩy tất cả tội lỗi của họ bằng cách đặt tay họ lên đầu của lễ của mình và bởi đó mà truyền mọi tội lỗi của họ cho nó theo phương cách mà Đức Chúa Trời đã lập ra. Bởi vì Đức Chúa Trời cho phép tất cả những ai đến với Ngài bằng cách tin vào quyền năng của việc đặt tay và sự đổ huyết do Ngài thiết lập có thể được tẩy sạch khỏi tội lỗi của mình, nên những ai tin vào Lẽ Thật này có thể bước đi với Đức Chúa Trời thánh khiết. Nếu không có của lễ được dâng lên bởi việc đặt tay và sự đổ huyết, thì Đức Chúa Trời không thể ngự với dân Y-sơ-ra-ên. Bất kể dân Y-sơ-ra-ên có thiếu sót như thế nào và họ đã phạm phải bao nhiêu tội, tuy nhiên, Đức Chúa Trời có thể ngự với họ bởi luật pháp cứu rỗi cấu thành nên sự hy sinh hợp pháp do Đức Chúa Trời ban ra này—việc đặt tay lên đầu của lễ chuộc tội và sự đổ huyết của nó. Vì vậy, tất cả chúng ta phải nhận ra và tin rằng sự cứu rỗi khỏi tội mà Đức Chúa Trời cho phép chúng ta được tạo thành từ việc đặt tay trên đầu của lễ hy sinh và sự đổ huyết của nó.
Các thầy tế lễ phải dâng của lễ thiêu mỗi buổi sáng và tối. Họ phải làm điều này bởi vì sau khi dâng lên một của lễ thiêu vào buổi sáng cho tội lỗi của họ, họ đã tiếp tục phạm phải nhiều tội hơn trong ngày, và vậy nên tội lỗi của họ phải được chuyển giao và thanh tẩy một lần nữa bằng cách dâng lên của lễ hy sinh khác vào buổi chiều tối. Của lễ thiêu được dâng lên mỗi ngày nhắc nhở dân Y-sơ-ra-ên về đức tin ghi nhớ và tin rằng Chúa Jêsus sẽ đến đất này, gánh lấy tội lỗi của thế gian bằng cách chịu báp têm bởi Giăng Báp-tít, chết trên thập tự giá, và bởi đó mà bôi xóa hết thảy tội lỗi của cả thế gian. Tương tự như vậy, tất cả chúng ta phải dâng lên của lễ đức tin mỗi sáng và tối, vì chúng ta tiếp tục phạm tội không ngừng trong suốt cả ngày. Của lễ đức tin đã được dâng lên vào thời Cựu Ước này cũng tương tự như việc được thanh tẩy tất cả những sự không tinh sạch trong lòng vào thời Tân Ước bằng cách tin vào phép báp têm mà Chúa Jêsus đã nhận từ Giăng Báp-tít và sự đổ huyết của Ngài.
Đức Chúa Cha gặp gỡ chúng ta khi Ngài tìm thấy đức tin này trong lòng chúng ta, tin rằng Chúa Jêsus, Cứu Chúa của chúng ta đã xóa bỏ tất cả tội lỗi của chúng ta. Theo hệ thống tế lễ của Cựu Ước, Đức Chúa Jêsus Christ đã đến đất này vào đúng thời điểm của Ngài và chấp nhận mọi tội lỗi của chúng ta bằng cách chịu báp têm bởi Giăng Báp-tít vào đầu thời đại Tân Ước (Ma-thi-ơ 3:15). Đây là lý do tại sao Chúa Jêsus phán rằng: “Song, từ ngày Giăng Báp-tít đến nay, nước thiên đàng bị hãm ép, và là kẻ hãm ép đó choán lấy” (Ma-thi-ơ 11:12). Nhờ tin vào Lẽ Thật Phúc-âm này, chúng ta có thể được giải thoát khỏi mọi tội lỗi của mình và được rửa sạch khỏi chúng một cách hoàn hảo. 
Bất chấp sự thật rằng Đức Chúa Jêsus Christ đã đến đất này, con người đã phạm phải vô số tội lỗi, và Cơ-đốc-nhân chúng ta, cả trước và sau khi nhận biết Đức Chúa Jêsus Christ, cũng đã phạm phải vô số tội lỗi. Nhưng Đức Chúa Jêsus Christ đã đến đất này, và bởi phép báp têm mà Ngài đã nhận từ Giăng Báp-tít cùng sự đổ huyết của Ngài trên thập tự giá, Ngài đã thanh tẩy tất cả tội lỗi của thế gian. Do đó, khi Đức Chúa Trời phán rằng Ngài sẽ gặp dân Y-sơ-ra-ên thông qua của lễ thiêu, có nghĩa là Đức Chúa Trời sẽ gặp những ai tin vào Phúc-âm của nước và Thánh Linh. Đức Chúa Trời yêu mến những ai tin rằng Ngài thực sự đã xóa bỏ tất cả tội lỗi của họ bằng sợi chỉ màu xanh, tím, và đỏ. Nhưng chắc chắn Ngài không yêu những ai chối bỏ Lẽ Thật này.
Trong thời đại Tân Ước này, chính nhờ tin vào Phúc-âm của nước và Thánh Linh mà chúng ta có thể gặp gỡ Đức Chúa Trời. Trong thời Cựu Ước, chính nhờ tin vào Lẽ Thật được thể hiện trong sợi chỉ màu xanh, tím, đỏ, và vải gai mịn mà người ta có thể nhận được sự tha tội. Việc đặt tay và sự đổ huyết—sự kết hợp của hai khái niệm này tạo thành một Phúc-âm hoàn hảo. Cựu Ước đã tiên tri về sự cứu rỗi hoàn hảo của Đức Chúa Trời một cách chi tiết, và Tân Ước là sự ứng nghiệm của những lời tiên tri và là sự hoàn thành của Phúc-âm được hứa. Vì vậy, Hê-bơ-rơ 1:1-2 công bố rằng: “Đời xưa, Đức Chúa Trời đã dùng các đấng tiên tri phán dạy tổ phụ chúng ta nhiều lần nhiều cách, rồi đến những ngày sau rốt nầy, Ngài phán dạy chúng ta bởi Con Ngài, là Con mà Ngài đã lập lên kế tự muôn vật, lại bởi Con mà Ngài đã dựng nên thế gian.” 
Chúa Jêsus là Vua của các vua và là Đức Chúa Trời Toàn Năng, nhưng Đức Chúa Trời này đã đến đất này, hiện thân trong xác thịt của con người, chịu báp têm, chết trên thập tự giá, sống lại từ cõi chết, và bởi đó mà tẩy sạch mọi tội lỗi của chúng ta và cứu chúng ta ra khỏi mọi sự đoán phạt của tội lỗi. Nhờ tin vào Phúc-âm này, Phúc-âm mà bởi đó Đức Chúa Trời đã khiến chúng ta trở nên công chính, nên chúng ta có thể trở nên trọn vẹn. Bây giờ, chúng ta có thể được tha thứ tội lỗi của mình, điều mà chúng ta đã vô cùng mong đợi. Chúng ta đã muốn rửa sạch mọi tội lỗi của mình một cách vô cùng tuyệt vọng, và Đức Chúa Trời đã xóa bỏ chúng một lần đủ cả thông qua hệ thống tế lễ của việc đặt tay và sự đổ huyết—nghĩa là, qua phép báp têm của Chúa Jêsus cùng sự đỏ huyết của Ngài trên thập tự giá, bản chất thực sự của Phúc-âm của nước và Thánh Linh (1 Giăng 5;6-8). Chính lúc chúng ta tin rằng Đức Chúa Trời đã xóa bỏ mọi tội lỗi của chúng ta một cách hoàn hảo thì Ngài khiến chúng ta trở thành dân sự của chính Ngài và gặp gỡ chúng ta. 
 


Tầm Quan Trọng Của Việc Đặt Tay


Lê-vi Ký 1:1-4 nói rằng, “Đức Giê-hô-va từ trong hội mạc gọi Môi-se mà phán rằng: Hãy nói cùng dân Y-sơ-ra-ên rằng: Khi người nào trong vòng các ngươi dâng của lễ cho Đức Giê-hô-va, thì phải dâng súc vật, hoặc bò, hoặc chiên. Nếu lễ vật của người là của lễ thiêu bằng bò, thì phải dùng con đực không tì vít, dâng lên tại cửa hội mạc, trước mặt Đức Giê-hô-va, để được Ngài đẹp lòng nhậm lấy. Người sẽ nhận tay mình trên đầu con sinh, nó sẽ được nhậm thế cho, hầu chuộc tội cho người.” 
Hãy chú ý đến câu 4 ở đây, rằng: “Người sẽ nhận tay mình trên đầu con sinh, nó sẽ được nhậm thế cho, hầu chuộc tội cho người.” Nói cách khác, Đức Chúa Trời sẽ vui lòng chấp nhận của lễ khi tội nhân dâng của lễ thiêu của mình lên sau khi đặt tay mình trên đầu nó. Tay của tội nhân được đặt trên đầu ai? Đó là đầu của lễ hy sinh. Chỉ bởi phương thức này, Đức Chúa Trời đã hứa xóa sạch tội lỗi của dân Y-sơ-ra-ên. Vì vậy, trong Cựu Ước, người ta đặt tay lên đầu của lễ hy sinh, nhưng còn Tân Ước thì sao? Ai là của lễ hy sinh thật sự trong thời Tân Ước? Không ai khác, đó chính là Đức Chúa Jêsus Christ, Đấng Cứu Thế của cả nhân loại. Đức Chúa Jêsus Christ là của lễ hy sinh độc nhất và duy nhất để xóa bỏ tội lỗi của toàn thể nhân loại. Bởi vì một người mà mọi người đều trở thành tội nhân, và cũng bởi chính Đức Chúa Jêsus Christ mà cả loài người có thể được thanh tẩy hết thảy tội lỗi của họ và nhận được sự sống đời đời.
Bởi đức tin, chúng ta phải đặt tay mình trên đầu Chúa Jêsus và chuyển giao mọi tội lỗi của chúng ta cho Ngài. Nói cách khác, chúng ta phải đặt tay mình trên đầu Chúa Jêsus trong đức tin thật, để rồi Đức Chúa Trời sẽ vui lòng chấp nhận của lễ hy sinh này. Chúa Jêsus đã phán trong Ma-thi-ơ 11:12 rằng chỉ những kẻ bạo lực mới có thể chiếm lấy Nước Ngài bằng vũ lực. Bởi vì việc đặt tay giúp chúng ta chuyển tất cả tội lỗi của mình qua của lễ hy sinh, nên Đức Chúa Trời vui lòng chấp nhận sự hiến tế của đức tin này. Bởi vì Giăng Báp-tít đã đặt tay ông trên đầu của Đức Chúa Jêsus Christ và chuyển mọi tội lỗi của nhân loại lên Ngài, nên Đức Chúa Trời đã cho phép mọi người được rửa sạch khỏi tội và giải thoát họ khỏi sự đoán phạt của tội lỗi khi họ hết lòng tin vào phép báp têm và sự chết thế của Ngài trên thập tự giá. Chính nhờ tin vào phép báp têm mà Đức Chúa Jêsus Christ đã nhận mà chúng ta có thể chuyển mọi tội lỗi của mình lên Ngài.
Đức Chúa Trời đã ban hệ thống tế lễ cho dân Y-sơ-ra-ên, và điều đó báo trước về sự hy sinh đời đời do Đức Chúa Jêsus Christ dâng lên bằng chính thân thể của Ngài. Nói cách khác, Đức Chúa Jêsus Christ đã hoàn thành luật pháp cứu rỗi được hứa trong hệ thống tế lễ này bằng phép báp têm và dòng huyết trên thập tự giá của Ngài. Bởi tình yêu thương vô tận của Ngài dành cho chúng ta, Đức Chúa Trời đã cứu chúng ta bằng cách ban cho chúng ta Đức Chúa Jêsus Christ, Con Độc Sanh của Ngài. Đây là thời điểm để mọi người được cứu bằng cách tin vào phép báp têm của Đức Chúa Jêsus Christ cùng sự đổ huyết của Ngài trên thập tự giá.
Đức Chúa Trời Toàn Tri đã hoạch định sự cứu rỗi hoàn hảo của Ngài cho tội nhân ngay cả trước khi tạo dựng, và hoàn thành điều đó đúng theo thời gian biểu của Ngài. Theo kế hoạch cứu rỗi này, Giăng Báp-tít đã được sinh ra trước Chúa Jêsus sáu tháng. Giăng Báp-tít là người vĩ đại nhất của cả nhân loại. Như chính Chúa Jêsus đã phán rằng: “trong những người bởi đàn bà sanh ra, không có ai được tôn trọng hơn Giăng Báp-tít” (Ma-thi-ơ 11:11), nên nói cách khác, Giăng Báp-tít là đại diện của nhân loại. Giăng Báp-tít là một người đầy tớ của Đức Chúa Trời, người cao trọng hơn cả Môi-se, Ê-li, và tiên tri Ê-sai. Nhiều người chỉ xem Giăng Báp-tít là một người sống khổ hạnh trong đồng vắng. Nhưng, trên thực tế, ông đã được Đức Chúa Trời sai đến làm đại diện của cả nhân loại. Giăng Báp-tít thực sự là người cao trọng nhất trong tất cả mọi người trên thế giới này. Ông đến từ gia đình A-rôn, Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm (Lu-ca 1:5-7). Như các vị vua đã được sinh ra từ hoàng tộc, Giăng Báp-tít, Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm cuối cùng, cũng đã được sinh ra từ gia đình của A-rôn, Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm đầu tiên, và là đại diện của nhân loại, ông đã làm báp têm cho Chúa Jêsus trên sông Giô-đanh để chuyển tội lỗi của nhân loại lên Ngài. Giăng Báp-tít là người vĩ đại nhất trong tất cả mọi người trên đất này. Nhưng có một số người thắc mắc điều này, như thể xác nhận rằng mình không tin, họ hỏi: “Chỗ nào trong Kinh thánh nói rằng Giăng Báp-tít là Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm?”
Hãy để tôi trả lời cho chúng bằng cách chứng minh rõ ràng rằng Giăng Báp-tít quả thật là đại diện của cả nhân loại và là Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm, vì tất cả điều này đều được chép trong Lời của Đức Chúa Trời: “Vì hết thảy các đấng tiên tri và sách luật đã nói trước cho đến đời Giăng. Nếu các ngươi muốn hiểu biết, thì ấy là Ê-li, là đấng phải đến” (Ma-thi-ơ 11:13-14). Đức Chúa Trời đã hứa sai Ê-li đến trong Ma-la-chi 4:4. Và chính Chúa Jêsus đã phán rằng Ê-li này, đấng phải đến, không ai khác ngoài Giăng Báp-tít. Bởi vì Giăng Báp-tít đã được sinh ra với tư cách là dòng dõi của A-rôn, nên ông đã hoàn thành vai trò của Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm.
Trong Cựu Ước, khi một tội nhân chuyển giao tội lỗi của mình bằng cách đặt tay trên đầu của lễ hy sinh, thì của lễ đã bị giết bằng cách đổ huyết của nó và bị thiêu bằng lửa. Bất cứ ai muốn được xóa tội thì nhất định phải đặt tay mình lên đầu của lễ hy sinh để chuyển tội lỗi của mình qua cho nó. Khi người ta đặt tay họ trên đầu của lễ hy sinh thì điều đó có nghĩa là tội lỗi của họ đã được chuyển cho nó rồi. Và, vào Ngày Lễ Chuộc Tội, A-rôn, Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm, phải đặt tay ông trên đầu con dê chuộc tội để chuyển hết tất cả tội lỗi hằng năm của dân Y-sơ-ra-ên cho nó. Ở đây cũng vậy, việc đặt tay là không thể thiếu được, và nói về mặt thuộc linh thì nó có nghĩa là sự chuyển giao tội lỗi. Giăng Báp-tít đã chuyển tất cả tội lỗi của chúng ta lên Chúa Jêsus thông qua phép báp têm của Ngài, và thông qua phép báp têm này, Chúa Jêsus đã chấp nhận mọi tội lỗi của thế gian, và rồi đổ huyết Ngài trên thập tự giá. Bằng cách chịu báp têm bởi Giăng Báp-tít và bởi đó mà gánh lấy tất cả tội lỗi của chúng ta, và bằng cách đổ huyết của Ngài trên thập tự giá cũng như sống lại từ cõi chết, Đức Chúa Jêsus Christ đã trở thành Đấng Cứu Thế hoàn hảo của chúng ta.
Dân Y-sơ-ra-ên cũng đã dâng lễ vật của họ cho Đức Chúa Trời bằng cách đặt tay họ trên đầu của sinh tế theo cách này. Khi dân Y-sơ-ra-ên phạm tội chống lại Đức Chúa Trời và bởi thế mà trở thành tội nhân, họ đã phải chuyển giao tội lỗi của mình cho các sinh tế bằng cách đặt tay họ lên đầu con vật để dâng của lễ chuộc tội của họ lên cho Đức Chúa Trời một cách đúng đắn. Đức Chúa Trời đã vui lòng chấp nhận của lễ theo luật pháp được thiêu bằng lửa sau khi tay được đặt trên đầu nó và nó bị giết. Bởi vì dân Y-sơ-ra-ên đã dâng lên Ngài của lễ hy sinh theo luật pháp này bằng cách chuyển giao tội lỗi của họ thông qua hình thức đặt tay họ trên đầu nó và Đức Chúa Trời đã gặp gỡ họ. Bởi vì của lễ hy sinh đã chấp nhận tội lỗi của họ thông qua việc đặt tay và bị đoán phạt thay cho tội lỗi của họ nên Đức Chúa Trời đã gặp gỡ những ai đến với Ngài bởi việc tin vào ân điển của Đức Chúa Trời bao hàm trong của lễ này. Đó là lý do tại sao Đức Chúa Trời rất vui lòng chấp nhận những con sinh tế như vậy. Ngài nhân từ đến nỗi Ngài không thể chịu được việc bất cứ người nào bị đày xuống địa ngục. 
Như vậy, điều rửa sạch chúng ta khỏi tất cả tội lỗi của mình là phép báp têm mà Đức Chúa Jêsus Christ đã nhận lẫn dòng huyết của Ngài trên thập tự giá. Bởi vì Đức Chúa Jêsus Christ đã gánh lấy tất cả tội lỗi của chúng ta bằng cách chịu báp têm bởi Giăng Báp-tít để bôi xóa tội lỗi của thế gian nên Ngài có thể chết trên thập tự giá và chịu sự đoán phạt công chính vì tội lỗi của chúng ta. Bởi vì Chúa Jêsus đã chịu báp têm để gánh lấy tất cả tội lỗi của chúng ta và chịu hình phạt công chính của thập tự giá nên Ngài có thể giải cứu và giải thoát chúng ta ra khỏi tội. Vì vậy, nhờ tin vào phép báp têm và sự hy sinh đổ huyết của Ngài, giờ đây, chúng ta có thể được tái sanh như những người công chính và gặp gỡ Đức Chúa Jêsus Christ. Nói tóm lại, nhờ tin vào Phúc-âm của nước và Thánh Linh, thông qua những hành động công chính của Chúa Jêsus, tất cả chúng ta đều có thể gặp được Đức Chúa Trời thánh khiết. Đức Chúa Jêsus Christ đã trở thành Cứu Chúa đời đời của những ai tin vào Lẽ Thật này.
Quả thật, chúng ta phải gặp gỡ Đức Chúa Trời thánh khiết. Bằng cách tin vào Đức Chúa Jêsus Christ, Đấng Cứu Thế đã đến bởi chỉ màu xanh, tím, và đỏ, chúng ta có thể gặp gỡ Đức Chúa Trời bởi đức tin. Những ai tìm cách gặp gỡ Đức Chúa Trời phải lắng nghe Lời này và tin vào hệ thống tế lễ do Đức Chúa Trời ban ra, bao gồm cả việc đặt tay lẫn sự đổ huyết. Nếu họ không thể hiểu được điều đó hoàn toàn bằng suy nghĩ xác thịt của chính mình và thậm chí có chút nghi ngờ về điều này, thì họ phải mở Lời của Đức Chúa Trời ra và xác nhận điều đó cho chính mình. Và họ phải tin những gì Đức Chúa Trời phán ra là đúng.
Chúng ta không được tin nơi Đức Chúa Trời với suy nghĩ của chính mình. Thay vào đó, chúng ta phải đứng vững trên Lời về lẽ thật của Đức Chúa Trời, và dựa trên Lời này, chúng ta phải phân biệt các Phúc-âm khác với Phúc-âm chân chính này. Chúng ta không được nhấn mạnh vào suy nghĩ của mình, dựa vào sự hiểu biết và học thức của chính mình. Không có một suy nghĩ nào của chính bạn là đúng cả. Loài người yếu đuối, ngang bướng, và cứng cỏi trước mặt Đức Chúa Trời đến nỗi họ nghiêng về sự công chính và suy nghĩ của mình trước tiên và bỏ mặc Lời của Đức Chúa Trời. Mở lòng bạn ra trước mặt Đức Chúa Trời và tin vào Lời của Ngài là con đường thực sự dẫn đến sự sống cùng các phước lành.
Khi Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm dâng con bò đực làm của lễ chuộc tội của mình để được tấn phong, Đức Chúa Trời đã bảo ông gỡ hết mỡ bọc ruột của nó, tấm da mỏng dính vào gan, hai trái cật cùng mỡ trên hai trái cật, và thiêu chúng trên bàn thờ, trong khi thịt của con bò cùng với da và nội tạng của nó, đều bị thiêu bằng lửa bên ngoài trại. Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm đã dâng của lễ y như Đức Chúa Trời đã truyền lệnh cho Môi-se. Khi của lễ thiêu được dâng lên, Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm cũng đã đem một con chiên đực không tỳ vết làm của lễ hiến tế và đặt tay ông trên đầu nó. Đối với chính ông cùng gia đình ông, sáng và tối, Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm cùng các con trai của ông đã đặt tay họ lên đầu của lễ như vậy, cắt cổ họng và lấy huyết của nó, và bôi huyết này trên sừng của bàn thờ của lễ thiêu. Sau đó, họ thiêu tất cả các phần không tinh sạch chẳng hạn như nội tạng và đầu của nó bên ngoài trại, nhưng những phần đã sả ra thì được thiêu trên bàn thờ của lễ thiêu. Của lễ thiêu được dâng lên trong lễ tấn lòng của Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm cũng đã được dâng lên bằng cách này. 
Đặc biệt, trong lễ tấn phong của Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm, tất cả mỡ của lễ vật hy sinh phải được thiêu cho Đức Chúa Trời. Việc Đức Chúa Trời hài lòng với hương thơm của mỡ của lễ vật hy sinh cho thấy rằng chắc chắn theo Lời Ngài và hệ thống tế lễ do Ngài thiết lập mà Đức Chúa Trời khiến chúng ta được tái sanh. Nói cách khác, mỡ ở đây thể hiện Đức Chúa Trời, Đức Thánh Linh. Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta hệ thống tế lễ, và Ngài đã tạo ra chúng ta, theo hệ thống tế lễ này; bằng cách đặt tay chúng ta lên đầu lễ vật hiến tế, giết nó, và dâng nó cho Ngài bằng cách thiêu đốt thịt của nó trên bàn thờ của lễ thiêu. Chỉ khi của tế lễ được dâng lên theo hệ thống tế lễ do Đức Chúa Trời đặt ra như vậy và bởi đức tin nơi Ngài thì Đức Chúa Trời mới vui lòng chấp nhận nó.
Xuất Ê-díp-tô Ký 29:10 nói rằng, “A-rôn cùng các con trai người sẽ nhận tay mình trên đầu con bò đó.” Đây là mạng lệnh của Đức Chúa Trời. Hơn nữa, trong số những bộ áo mà Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm đã mặc trong sự hiến dâng của ông, ê-phót nhất định phải được dệt từ năm sợi chỉ—tức là nó phải được dệt từ chỉ vàng, xanh, tím, đỏ và vải gai mịn. Sợi chỉ vàng ở đây nói đến đức tin. Sợi chỉ xanh nói đến phép báp têm mà Đức Chúa Jêsus Christ đã nhận, giống như việc đặt tay của Cựu Ước; sợi chỉ tím cho chúng ta biết rằng Chúa Jêsus là Con của Đức Chúa Trời, chính là Đức Chúa Trời và là Đấng Cứu Thế; và sợi chỉ đỏ nói đến sự hy sinh mà Đức Chúa Jêsus Christ đã thực hiện; và vải gai mịn nói đến Lời của Đức Chúa Trời, điều đã khiến chúng ta trở nên vô tội. Sợi chỉ bằng vàng biểu thị đức tin tin rằng Đức Chúa Trời đã xóa bỏ mọi tội lỗi của chúng ta và biến tấm lòng của chúng ta trở nên trắng như tuyết. Chúng ta phải có đức tin này, tin rằng Đức Chúa Trời đã bôi xóa tội lỗi của chúng ta bằng phép báp têm của Chúa Jêsus và dòng huyết của thập tự giá. Chúng ta phải tin Đức Chúa Jêsus Christ chính xác theo những gì Đức Chúa Trời đã phán với tất cả chúng ta, theo cách Ngài đã xóa bôi tất cả tội lỗi của chúng ta. Chúng ta phải tin Đức Chúa Trời theo cách Đức Chúa Trời đã đặt ra hệ thống tế lễ của sự cứu rỗi, và cách Ngài đã bôi xóa mọi tội lỗi của chúng ta thông qua Đức Chúa Jêsus Christ, Đấng đã hoàn thành hệ thống tế lễ.
Nhiều người nói rằng: “Tại sao bạn không tin Ngài như thế này? Tại sao bạn lại quá kén chọn như vậy? Có thể do bạn có tính cách tiểu tiết và bạn thích chắc chắn mọi lúc, nhưng tính cách của tôi là toàn diện, vậy nên tôi tin rằng cả hai ý kiến trái ngược nhau đều có thể đúng cùng một lúc. Có phải Đức Chúa Trời chỉ chấp nhận những người tin như bạn hay không? Nếu tôi nói rằng bằng cách nào đó tôi tin nơi Đức Chúa Trời, thì bản thân đức tin này là không đủ hay sao?” Nếu bạn tin như vậy, Đức Chúa Trời sẽ không hài lòng với bạn. Ngài là Đức Chúa Trời của lẽ thật. Đức Chúa Trời không cứu chúng ta một cách lung lay và không chắc chắn như vậy. Đức Chúa Trời là ánh sáng cực kỳ chói lọi, Đấng có Lời giống như một con dao hai lưỡi sắc bén. Ngài phán xét bằng u-rim và thu-mim, có nghĩa là Ngài đã cứu chúng ta bằng ánh sáng và sự hoàn hảo.
Đức Chúa Trời chính xác hơn cả kính hiển vi tiên tiến nhất có thể nhận biết và phân biệt các kích thước nhỏ nhất với nhau. Ngài không phải là người chấp thuận cứu rỗi của chúng ta khi chúng ta tin theo bất cứ cách nào mà mình thích. Bởi vì Đức Chúa Trời là lẽ thật, Ngài biết mọi thứ, từ những suy nghĩ thầm kín của chúng ta cho đến những cảm xúc nhất thời của chúng ta, từ những tội lỗi trong lòng chúng ta cho đến việc làm của chúng ta, từ những tội lỗi mà chúng ta đã phạm trước đây cho đến những tội lỗi mà chúng ta đang phạm cũng như những tội lỗi mà chúng ta sẽ phạm trong tương, ẩn và hiện, đều như nhau. Đây là lý do tại sao Đức Chúa Trời đã xác định rằng Ngài chắc chắn sẽ xóa bỏ hết thảy những tội lỗi ấy với việc đặt tay và dòng huyết hy sinh, và đây là lý do chúng ta nhất định phải tin vào sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời theo hệ thống tế lễ do Đức Chúa Trời lập nên.
Chúa đã phán rằng chúng ta phải đặt tay mình lên đầu của lễ hiến tế, và rằng sau đó Ngài sẽ vui lòng chấp nhận nó. Khi một tội nhân đặt tay mình trên đầu của lễ hy sinh, thì sau đó, họ phải giết chết sinh tế này và bôi huyết của nó lên các sừng của bàn thờ của lễ thiêu. Ở đây, việc bôi huyết của lễ vật lên các sừng nói đến sự bôi xóa tội lỗi được chép trong Sách Phán Xét (Khải Huyền 20:12-15). Sau đó, phần huyết còn lại được đổ trên mặt đất. Điều này có nghĩa là tấm lòng của người đó được thanh tẩy khỏi tội lỗi.
Vì bạn và tôi, Đức Chúa Jêsus Christ đã chịu báp têm, chết trên thập tự giá, sống lại từ cõi chết, và bởi thế Ngài đã cứu hết thảy chúng ta. Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm cũng có đức tin tương tự như đức tin của chúng ta. Đức tin mà bạn và tôi có trong thời đại hiện nay hoàn toàn không khác gì với đức tin mà Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm đã có. Đối với Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm cũng vậy, bởi đức tin của ông nơi lẽ thật được thể hiện trong sợi chỉ xanh, tím, và đỏ, mà ông có thể hoàn thành các nhiệm vụ chức tế lễ của mình, và bởi đức tin tương tự này mà bạn và tôi cũng đã trở nên công chính. Bởi vì chúng ta đã được tha tội bằng đức tin tin vào sự cứu rỗi do Đức Chúa Trời ban cho chúng ta nên giờ đây chúng ta có thể gặp mặt Ngài, cầu xin sự giúp đỡ của Ngài, dẫn dắt đời sống của chúng ta với tư cách là dân sự của chính Ngài, và truyền bá Phúc-âm cho tội nhân khi chúng ta hoàn thành các nhiệm vụ tế lễ của mình.
 

Các Thầy Tế Lễ Trên Đất Và Hệ Thống Tế Lễ Do Đức Chúa Trời Lập Ra

Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm và hệ thống tế lễ đã được Đức Chúa Trời lập ra. Do đó, Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm trên đất đã làm những gì Đức Chúa Trời ra lệnh cho ông phải làm, và khi làm như vậy, ông đã hoàn thành các nhiệm vụ tế lễ của mình để xóa bỏ tội lỗi của dân sự mình. Vậy, Đức Chúa Jêsus Christ, Con của Đức Chúa Trời, đã làm thế nào để xóa bôi tất cả tội lỗi của chúng ta với tư cách là Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm của thiên đàng? Thay vì sử dụng một lễ vật hiến tế thuộc trần gian, Ngài đã lấy chính thân thể không tỳ vết của Ngài làm lễ vật hy sinh và đặt tất cả tội lỗi của chúng ta lên đó. Chúa Jêsus đã gánh lấy tội lỗi của nhân loại bằng cách chịu báp têm bởi Giăng Báp-tít, tuôn đổ dòng huyết của Ngài, và chết trên thập tự giá, sống lại từ cõi chết, và bởi thế nên Ngài đã cứu chúng ta khỏi mọi tội lỗi của thế gian. Tình yêu này thật đáng kinh ngạc làm sao, và sự cứu rỗi này thật diệu kỳ làm sao!
Bạn có thể làm được điều này không? Vì lợi ích của người khác, bạn có thể gánh lấy tội lỗi của người này và bị đóng đinh cho đến chết, thay cho anh ta không? Không thể nào! Hơn nữa, thân thể của bạn không đủ tiêu chuẩn để trở thành một của lễ hợp pháp, vì nó không phải là không có tỳ vết. Tất nhiên, có một số người đã làm những việc công chính vì một mục đích lớn lao hơn chính họ—cho quốc gia của họ chẳng hạn. Nhưng mặc dù một số người có thể làm được điều này, mọi thứ do con người thực hiện thảy đều là vô ích, vì họ thậm chí không thể giải quyết được vấn đề tội lỗi của chính mình, nói gì đến cứu người khác ra khỏi tội. Không ai khác có thể cứu nhân loại ra khỏi tội ngoài Đức Chúa Jêsus Christ, Con Thánh của Đức Chúa Trời. Kinh thánh cho chúng ta biết rằng ở dưới trời, chẳng có danh nào khác ban cho chúng ta, để chúng ta phải nhờ đó mà được cứu, ngoại trừ Đức Chúa Jêsus Christ (Công vụ 4:12).
Nhân tiện, sẽ có một người có ý chí mạnh mẽ nào đó trong số các bạn suy nghĩ rằng: “Tôi có thể làm điều này. Tôi có thể cống hiến hết mình cho người khác, và xa hơn nữa, tôi có thể hy sinh bản thân mình vì người khác” không? Sự hy sinh và cống hiến như vậy có thể được người ta đánh giá cao, nhưng theo thời gian và khi mọi thứ được cải thiện, việc làm nhân đức đó cuối cùng đều sẽ bị lãng quên. Hê-bơ-rơ 13:9 nói với chúng ta rằng: “vì lòng nhờ ân điển được vững bền, ấy là tốt, chớ không phải nhờ đồ ăn, là sự chẳng ích chi cho kẻ làm như vậy.” Tấm lòng của chúng ta đã nhận được sự phong phú và ích lợi gì từ Đức Chúa Trời? Đó là tình yêu cứu rỗi của Đức Chúa Trời tràn ngập và lấp đầy tấm lòng của chúng ta với ân điển của Ngài. Được người khác giúp đỡ về mặt thuộc thể chẳng là gì đối với sự sống đời đời của chúng ta cả. Khi chúng ta cảm thấy thoải mái một lần nữa, tất cả chúng ta đều có xu hướng quên đi sự giúp đỡ đó. 
Socrates, Khổng Tử, và Siddhartha đã được ca ngợi là những nhà hiền triết vĩ đại nhất trên thế giới. Tuy nhiên, làm sao những nhà hiền triết này có thể trở thành Cứu Chúa của chúng ta được? Siddhartha có thể tẩy sạch tội lỗi cho bạn không? Không ai trong số họ có thể làm được. Vậy ai có thể là Cứu Chúa của nhân loại, trong khi không người nào có thể giải quyết được một tội lỗi của chính mình? Ngay cả Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm cũng không thể bôi xóa tội lỗi của dân sự mình theo cách riêng của ông. Tội lỗi của dân Y-sơ-ra-ên chỉ có thể được tẩy sạch khi họ có đức tin nơi hệ thống tế lễ do Đức Chúa Trời ban ra và nhận được sự tha tội của họ bằng cách dâng lên lễ vật của họ cho Ngài theo hệ thống tế lễ này—tức là bằng cách chuyển tội lỗi của họ cho lễ vật bởi việc đặt tay họ lên đầu nó, bôi huyết của vật hy sinh này trên các sừng của bàn thờ của lễ thiêu và đổ phần còn sót lại trên mặt đất, và thiêu đốt mỡ của nó trên bàn thờ của lễ thiêu. 
Để được xóa bỏ tội lỗi trong một năm, vào ngày thứ mười của tháng thứ bảy, Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm phải đặt tay ông lên đầu của lễ hy sinh trước mặt Đức Chúa Trời và do đó mà truyền tội cho nó, đem huyết của nó vào trong Nơi Chí Thánh, và rảy huyết đó ở phía đông của nắp thi ân—nghĩa là về hướng mà ông đã bước vào. Khi ông rảy huyết bảy lần, những cái chuông vàng được treo ở biên áo choàng màu xanh của ông reo lên. (Những cái chuông vàng này được treo giữa những quả lựu dệt bằng chỉ xanh, tím, và đỏ.) Âm thanh tao nhã của những cái chuông vàng này vang lên bất cứ khi nào ông bước đi hoặc rảy huyết. Đây chính là Phúc-âm. Âm thanh này ngụ ý Tin Tức Tốt Lành, Phúc-âm năng quyền bôi xóa tất cả tội lỗi của chúng ta. Cũng như Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm có thể đem đến sự tha tội cho dân sự ông không phải bằng cách tự mình dâng lên bất cứ của lễ nào, bèn là bằng cách dâng nó lên theo luật lệ mà Đức Chúa Trời đã thiết lập, nên trong thời Tân Ước, Đức Chúa Jêsus Christ đã cứu bạn và tôi ra khỏi tất cả tội lỗi của chúng ta bằng cách đến đất này, chịu báp têm, chết trên thập tự giá, và sống lại từ cõi chết, tất cả đều đúng với cùng một luật lệ. Đức Chúa Jêsus Christ cũng có thể khiến chúng ta trở nên công chính chỉ khi Ngài hoàn thành công việc của Ngài theo luật pháp cứu rỗi mà chính Ngài đã đặt ra. 
Bất cứ ai muốn được tái sanh thực sự đều có thể nhận được sự tha tội của họ chỉ khi họ dễ chịu, vui vẻ, và thích lắng nghe Lời của Đức Chúa Trời với một thái độ cởi mở, nghĩa là giống như tinh thần ‘Berean’. Những người khó chịu không thể tin vào Lẽ Thật này và không thể nhận được sự tha tội của họ bất luận họ đã được giảng về Lời của Đức Chúa Trời bao nhiêu lần; họ là những kẻ ngu ngốc nhất. Sao lại có người không tin vào Lời như Đức Chúa Trời đã phán? Tri thức của con người có thể thực sự đạt đến bao xa? Nó mất đi sự khôn ngoan của Lời Đức Chúa Trời. Ngay cả vậy, họ vẫn tiếp tục khoe khoang về những thành tựu của chính mình và từ chối không tin vào Lời của Đức Chúa Trời. Thật khó để tìm thấy ai đó ngu ngốc như những người này.   
Thưa anh chị em, thế giới đang thay đổi nhanh chóng. Công nghệ cũng phát triển nhanh chóng đến mức việc nhân bản con người được cho là gần như khả thi về mặt kỹ thuật. Chủ nghĩa vô thần cũng đang thịnh hành rộng rãi, và thời đại của tôn giáo hiện đang qua đi. Tuy nhiên, mặc dù thế giới này sẽ càng trở nên khó hiểu và khắc nghiệt hơn nữa, nhưng chúng ta, những người được tái sanh, nhất định trung tín hầu việc Đức Chúa Trời như những thầy tế lễ hoàng gia của Ngài. Giờ đây, Phúc-âm của nước và Thánh Linh đang lan truyền khắp nơi trên thế giới một cách nhanh chóng hơn, bất chấp làn sóng không tin kính đang lan rộng. Chúng ta là những người duy nhất có thể đi ngược lại dòng chảy của thời đại.
Tôi tin rằng Phúc-âm của nước và Thánh Linh, sự cứu rỗi theo hệ thống tế lễ do Đức Chúa Trời ban ra, sẽ càng trổ hoa và nở rộ hơn nữa, và được lan truyền khắp thế giới trong tương lai gần. Chúng ta, những thầy tế lễ của ngày nay sẽ cầu nguyện cho mình và mọi linh hồn của cả thế gian và tiếp tục dẫn dắt đời sống của mình bằng cách làm chứng cho Phúc-âm này. Tôi tin rằng khi chúng ta tin bởi đức tin, chúng ta sẽ trở thành những người bước đi với Đức Chúa Trời và đạt được những công việc lớn lao hơn nữa trong việc truyền bá Phúc-âm. Khi chúng ta tìm kiếm và hoàn thành những công việc làm đẹp lòng Đức Chúa Trời như vậy trong những thời kỳ cuối cùng này, thì tôi tin rằng công việc của Phúc-âm sẽ còn tiến xa hơn nữa đến mọi ngóc ngách trên thế giới này, như hương thơm ngào ngạt lan tỏa cùng với làn gió nhẹ. 
Tôi dâng mọi lời tạ ơn của mình lên cho Đức Chúa Trời vì đã tấn phong chúng ta làm các thầy tế lễ để hầu việc Ngài và tính đến chúng ta trong các chức vụ của Ngài.