Search

خطبات

Chủ đề 11: Đền Tạm

[11-31] Bảng Đeo Ngực Về Sự Xét Đoán (Xuất Ê-díp-tô Ký 28:15-30)

Bảng Đeo Ngực Về Sự Xét Đoán
(Xuất Ê-díp-tô Ký 28:15-30)
“Bảng đeo ngực về sự xét đoán, ngươi cũng phải làm cho cực xảo, y như ê-phót; tức là bằng kim tuyến, chỉ tím, đỏ điều, đỏ sặm, và vải gai đậu mịn. Bảng đeo ngực hình vuông và may lót; bề dài một em ban, bề ngang một em ban. Ngươi hãy gắn bốn hàng ngọc vào bảng đeo ngực: hàng thứ nhứt gắn ngọc mã não, ngọc hồng bích, và ngọc lục bửu; hàng thứ nhì, ngọc phỉ túy, ngọc lam bửu và ngọc kim cương; hàng thứ ba, ngọc hồng bửu, ngọc bạch mã não, và ngọc tử tinh, hàng thứ tư, ngọc huỳnh bích, ngọc hồng mã não, và bích ngọc. Các ngọc nầy sẽ khảm vào khuôn bằng vàng. Số các ngọc đó hết thảy là mười hai viên, tùy theo tên các con trai Y-sơ-ra-ên; trên mỗi viên ngọc sẽ khắc tên của một trong mười hai chi phái Y-sơ-ra-ên, như người ta khắc con dấu vậy. Ngươi hãy làm các sợi chuyền bằng vàng ròng đánh như hình dây, chuyền trên bảng đeo ngực; rồi làm hai khoanh bằng vàng để ở hai góc đầu trên bảng, cùng cột hai sợi chuyền vàng vào hai khoanh nơi hai đầu bảng, và hai đầu sợi chuyền cột vào móc gài, đoạn gắn trên hai đai vai ê-phót về phía đằng trước ngực. Ngươi cũng hãy làm hai cái khoanh bằng vàng nữa, để vào hai góc đầu dưới của bảng đeo ngực, về phía trong ê-phót. Lại làm hai khoanh khác nữa bằng vàng, gắn vào hai đầu dưới đai vai ê-phót ném về phía trước, ở trên đai gần chỗ giáp mối. Rồi một sợi dây màu tím sẽ cột hai cái khoanh của bảng đeo ngực lại cùng hai cái khoanh ê-phót, hầu cho nó dính với đai, đừng rớt khỏi ê-phót. Thế thì, khi nào A-rôn vào nơi thánh, sẽ mang trên lòng mình tên các con trai Y-sơ-ra-ên nơi bảng đeo ngực về sự xét đoán, đặng giữ làm kỷ niệm luôn luôn trước mặt Đức Giê-hô-va. Trên bảng đeo ngực của sự xét đoán, ngươi hãy gắn u-rim và thu-mim vào, đặng khi A-rôn đến trước mặt Đức Giê-hô-va thì các món đó sẽ ở trên lòng mình. Ấy vậy, trước mặt Đức Giê-hô-va, A-rôn sẽ mang sự xét đoán của con trai Y-sơ-ra-ên trên lòng mình luôn luôn.”

Bây giờ chúng ta hãy chuyển sự chú ý của mình đến bảng đeo ngực mà Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm đã phán xét cho dân Y-sơ-ra-ên. Phân đoạn trên cho chúng ta biết rằng bảng đeo ngực về sự xét đoán được làm từ một tấm vải gấp đôi lại thành một hình vuông, có chiều dài và chiều rộng là một gang tay. Loại vải này được dệt một cách sắc sảo từ chỉ bằng vàng, màu xanh, tím, đỏ, và vải gai đậu mịn. Trên tấm vải này, người ta đặt mười hai viên đá quý, ba viên trên mỗi hàng, tổng cộng là bốn hàng. Đức Chúa Trời cũng đã bảo Môi-se đặt u-rim và thu-mim trên bảng đeo ngực về sự xét đoán. U-rim và thu-mim ở đây có nghĩa tương ứng là ‘ánh sáng và sự hoàn hảo’. 
 


Tiêu Chuẩn Xét Đoán Của Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm


Như chúng ta biết rằng, mọi bản án có thể được tuyên án sau khi cân nhắc vụ án với các tiêu chuẩn liên quan và với các quy tắc cùng quy định. Vậy dựa trên tiêu chuẩn nào mà Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm xét đoán dân sự của mình? Ông phải xét đoán dân sự của mình bằng u-rim và thu-mim trên bảng đeo ngực của mình, tức là ‘ánh sáng và sự hoàn hảo’. Đức tin cơ bản giúp ông phán xét đúng là đức tin trong sự thật được thể hiện trong năm sợi chỉ tạo nên bảng đeo ngực về sự xét đoán. Nói cách khác, dựa trên đức tin nơi vào sự thật được tạo nên từ sợi chỉ vàng, xanh, tím, đỏ, và vải gai đậu mịn, mà Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm đã đưa ra sự xét đoán cho toàn thể dân Y-sơ-ra-ên. 
Nói cách khác, tiêu chuẩn xét đoán của Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm là lẽ thật, là ‘ánh sáng và sự hoàn hảo’ được thể hiện trong sợi chỉ màu xanh, tím, đỏ, và vải gai đậu mịn được sử dụng cho bảng đeo ngực. Nhờ tin vào lẽ thật được thể hiện trong năm sợi chỉ, Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm có thể đưa ra các quyết định có thẩm quyền cho toàn thể dân Y-sơ-ra-ên; cho dù chúng đúng hay sai về mặt thuộc linh. 
Bảng đeo ngực được đặt trên ngực của mỗi Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm, và trên đó có đặt u-rim và thu-mim. Điều này ngụ ý rằng trong lòng của Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm, chân lý của sự sáng và sự hoàn hảo đã được thiết lập vững chắc đến nỗi ông có thể luôn dẫn dắt dân Y-sơ-ra-ên và xét đoán liệu đức tin của họ có đúng hay không, liệu họ có dâng lên các của lễ đúng với hệ thống tế lễ của Đức Chúa Trời hay không, và liệu họ có làm theo các mạng lệnh của Ngài hay không.
Ngày nay, chúng ta, các thầy tế lễ hoàng gia của Đức Chúa Trời, cũng phải chịu tiêu chuẩn tương tự và phán xét dân sự trong thời đại này. Chúng ta phải đi đến cùng một kết luận rằng nếu mọi người tin vào lẽ thật thể hiện trong năm sợi chỉ dùng cho bảng đeo ngực, thì họ có thể trở thành ánh sáng của thế gian trước mặt Đức Chúa Trời, và nếu họ không tin, thì họ phải bị đoán phạt.  
Một số người có thể không đồng tình với Lời này, họ lập luận rằng có thể có nhiều lộ trình để lên tới đỉnh núi. Những người leo núi có thể nói rằng: “Lần trước, bạn đã đi đường dễ nhất, nhưng tôi sẽ đi về hướng đông, vách đá khó chinh phục nhất của ngọn núi này.” Chắc chắn, khi nói đến việc leo núi, một cách thay thế như vậy là rất khả thi. Tuy nhiên, khi nói đến lĩnh vực thuộc linh của chúng ta, không có tranh chấp hay thỏa hiệp. Tiêu chuẩn duy nhất là điều mà Đức Chúa Trời đã thiết lập. Để trở thành ánh sáng của thế gian trước mặt Đức Chúa Trời, chúng ta không có nhiều phương pháp, mà chỉ có một cách thức duy nhất: Cách này đó là nhận biết và tin vào chân lý cứu rỗi sáng ngời được thể hiện trong sợi chỉ bằng vàng, màu xanh, tím, đỏ, và vải gai đậu mịn, vốn là chất liệu của bảng đeo ngực và ê-phót, và bởi đó mà nhận được sự tha tội của mình cũng như trở thành con cái của chính Đức Chúa Trời. 
Không có cách nào khác để trở thành ánh sáng của thế gian ngoại trừ bằng cách tin rằng Đức Chúa Trời đã bôi xóa tất cả tội lỗi của chúng ta và khiến chúng ta trở nên công chính với sợi chỉ màu xanh, tím, và đỏ. Chỉ bởi tin vào lẽ thật của các vật liệu được sử dụng cho những bộ áo mà Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm đã mặc thì tội nhân mới có thể trở nên công chính và người không hoàn hảo trở nên hoàn hảo. Tương tự như vậy, khi chúng ta bị xét đoán xem liệu mình có được cứu trước mặt Đức Chúa Trời hay không, thì chúng ta được xét đoán dựa trên Lời Phúc-âm của nước và Thánh Linh vốn đã trở thành ánh sáng rạng ngời của lẽ thật.
Nếu chúng ta thực sự muốn được xét đoán đúng trước mặt Đức Chúa Trời xem liệu chúng ta sẽ lên thiên đàng hay xuống địa ngục, thì chúng ta phải có đức tin này, nhận biết và tin vào các chất liệu được sử dụng để làm ra bảng đeo ngực về sự xét đoán. Để chúng ta nhìn thấy người khác và có thể phân biệt được liệu họ có hết lòng tin vào lẽ thật của nước và Thánh Linh hay không, thì trước tiên chúng ta phải tin vào Phúc-âm của nước và Thánh Linh. Điều mà chúng ta phải nhận ra đó là lẽ thật được thể hiện trong sợi chỉ vàng, xanh, tím, đỏ, và vải gai đậu mịn chính xác là điều giúp chúng ta đạt đến sự phán xét đúng đắn về sự tha tội, và chính lẽ thật này làm chứng cho sự phán xét đúng đắn. Bây giờ bạn có hiểu được điều này không?
Vậy thì ngày nay ai là người đầu tiên có thể đưa ra phán xét đúng đắn về sự tha tội? Đó là Đức Chúa Jêsus Christ, Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm đời đời của thiên đàng. Đức Chúa Jêsus Christ đã gánh lấy tất cả tội lỗi của chúng ta bằng cách gánh lấy tội lỗi của nhân loại lên thân thể của Ngài bằng phép báp têm của Ngài, bằng cách chết trên thập tự giá và sống lại từ cõi chết, Ngài đã mãi mãi giải cứu chúng ta ra khỏi tội lỗi của thế gian. Vì vậy, bất cứ ai tin vào Đức Chúa Jêsus Christ theo lẽ thật này có thể trở thành một thầy tế lễ hoàng gia và có quyền xét đoán người khác một cách chính xác. Bây giờ, chúng ta, những người được tái sanh có nhiệm vụ đoán xét những người không được cứu theo tiêu chuẩn do Đức Chúa Trời ban ra, Phúc-âm của nước và Thánh Linh. Và chúng ta phải thi hành nhiệm vụ này một cách trung tín trước mặt Đức Chúa Jêsus Christ, Vị Thẩm Phán Tối Cao.
Có một số người không thích bản án do chúng ta, các thầy tế lễ thuộc linh đưa ra. Họ chống lại chúng ta, nói rằng: “Anh không phải là Đức Chúa Trời! Anh chỉ là một con người thiếu sót như tôi, làm sao anh có thể xác định được liệu tôi đã nhận được sự tha tội của mình hay chưa? Sự phán xét đúng đắn của tội nhân chỉ do Đức Chúa Trời đưa ra mà thôi! Anh nghĩ mình là ai? Làm sao anh dám xét đoán liệu tôi đã được cứu hay chưa? Chỉ có Đức Chúa Trời biết được điều này. Anh là Đức Chúa Trời ư? Anh nghĩ rằng anh tốt hơn người khác sao?”
Nhưng lý do mà các quyết định của thầy tế lễ thuộc linh hoàn hảo là do họ đã được Chúa giao phó cho cái quyền ấy. Khi các thầy tế lễ của Đức Chúa Trời quyết định điều gì đúng và điều gì sai, thì chúng ta phải tin vào sự xét đoán này, vì đó là sự xét đoán đúng đắn. Như các bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh cho bệnh nhân của họ, việc xem xét các linh hồn và xác định xem họ vẫn còn là tội nhân hay họ đã trở thành người công chính là tùy thuộc vào các thầy tế lễ thuộc linh.
Chính bởi đức tin tin vào sợi chỉ màu xanh, tím, đỏ, và vải gai đậu mịn mà chúng ta có thể trở thành các thầy tế lễ thuộc linh như vậy. Các thầy tế lễ thuộc linh này là những người đã được xóa bỏ mọi tội lỗi của họ và đã nhận được Đức Thánh Linh từ nơi Đức Chúa Trời nhờ tin vào Phúc-âm của Lẽ Thật. Do đó, những người đã trở thành thầy tế lễ có thể phân biệt tội nhân với người công chính. Bởi vì chúng ta đã được tha tội nhờ việc lắng nghe và tin vào Phúc-âm thể hiện trong sợi chỉ màu xanh, tím, đỏ, nên giờ đây chúng ta có thể chữa lành cho tội nhân và dẫn họ đến với Đấng Christ.
 

Bạn Phải Dũng Cảm Lên Khi Mọi Người Thách Thức Chức Tế Lễ Của Bạn

Tội nhân, trong suy nghĩ của riêng họ, cũng cố gắng để giảm bớt quyền năng của sự xét đoán công bằng mà những người công chính đưa ra. Tuy nhiên, điều tệ hơn đó là chúng ta có thể không tin chắc vào chức tế lễ của chính mình mặc dù chúng ta đã được tái sanh. Khi chúng ta, những người được tái sanh phán xét người khác, chúng ta có thể suy nghĩ rằng: “Chẳng lẽ mình không kiêu ngạo sao? Mình không phạm lỗi ở đây sao?” Nhưng chẳng có gì sai ở đây cả, vì chỉ có những người đã trở thành thầy tế lễ của Đức Chúa Trời về mặt thuộc linh mới có thể đưa ra sự xét đoán thuộc linh này một cách chính xác. Vì vậy, chúng ta, những người được tái sanh phải dũng cảm lên khi tội nhân thách thức uy quyền để phán xét họ của chúng ta. Chúa Jêsus đã ban quyền như vậy cho các môn đồ của Ngài, phán rằng: “Kẻ nào mà các ngươi tha tội cho, thì tội sẽ được tha; còn kẻ nào các ngươi cầm tội lại, thì sẽ bị cầm cho kẻ đó” (Giăng 20:23). Những người đã trở thành các thầy tế lễ thuộc linh có thể dẫn dắt người khác bằng Phúc-âm giúp họ có thể nhận được sự tha tội.
Trên khắp thế giới, có nhiều thánh đồ đã được tha tội thông qua mục vụ văn chương Cơ-đốc của chúng ta. Cùng với sự tha tội này, Đức Chúa Trời đã ban cho họ quyền năng của Đức Thánh Linh, để rồi họ cũng có thể phân biệt được liệu những người khác đã nhận được sự tha tội hay chưa về mặt thuộc linh. Những người biết và tin vào điều mà sợi chỉ bằng vàng, màu xanh, tím, đỏ, và vải gai đậu mịn đang nói với chúng ta là những người có năng quyền để xét đoán người khác bằng đức tin. Thông qua các thầy tế lễ này, Đức Chúa Trời đã cứu mọi người ra khỏi tội lỗi và sự đoán phạt của họ. Chính nhờ tin vào Phúc-âm của nước và Thánh Linh mà chúng ta đã trở thành con cái của Đức Chúa Trời về mặt thuộc linh.
Sau khi trở thành con của Đức Chúa Trời, chúng ta đã trở thành các thầy tế lễ thuộc linh, và do đó, chúng ta có quyền xét đoán những người đã nhận được sự cứu rỗi và cả những người chưa nhận được điều đó. Chúng ta nhất định phải nói với tội nhân rằng họ đang đi thẳng xuống địa ngục vì cớ tội lỗi của họ và rằng họ phải nhận được sự tha tội của họ bằng cách tin vào Phúc-âm của nước và Thánh Linh. Chúng ta cũng phải xét đoán những người đồng đạo của mình, những người đã được tái sanh bởi nước và Thánh Linh để dẫn họ đến với con đường đúng.  
Bạn khôn được nghĩ rằng việc chúng ta, những người đã trở thành các thầy tế lễ thuộc linh, phán xét tội nhân, những người chưa nhận được sự tha tội của họ, là điều sai trái. Nói cách khác, bạn không nên nghĩ rằng mình kiêu ngạo khi xem những người đó là tội nhân. Trái ngược, bởi vì chúng ta luôn đeo tấm bảng đeo ngực về sự xét đoán trên ngực mình như các thầy tế lễ thuộc linh, nên chúng ta phải thực hiện nhiệm vụ của mình một cách mạnh mẽ hơn nữa. Gạt tất cả những thứ khác sang một bên, chúng ta phải thay mặt Đức Chúa Trời tuyên án những tội nhân này để họ phải chịu đày đọa trong địa ngục. Sau đó, những tội nhân này sẽ nhận ra sự phán xét của các thầy tế lễ thuộc linh là sự phán xét của Đức Chúa Trời, chấp nhận sự phán xét này, tin vào ân điển của Đức Chúa Trời về việc thanh tẩy tội lỗi được thể hiện trong sợi chỉ màu xanh, tím, đỏ, vải gai đậu mịn, và bởi đó mà được cứu ra khỏi mọi tội lỗi của mình. Đây là lý do tại sao nếu một sự xét đoán được đưa ra bởi đức tin, thì đó là sự xét đoán đúng đắn. 
Vậy thì, với tiêu chí nào mà chúng ta có thể xác định xem người khác đã được tha tội hay chưa? Chúng ta có thể xác định điều này dựa trên chính đức tin tin vào năm sợi chỉ bằng vàng, màu xanh, tím, đỏ, và vải gai đậu mịn. Nói cách khác, chúng ta, các thầy tế lễ hoàng gia có thể xét đoán người khác dựa trên Phúc-âm của nước và Thánh Linh: Đức Chúa Jêsus Christ, Con của Đức Chúa Trời, đã gánh lấy tội lỗi của chúng ta bằng cách chịu báp têm bởi Giăng Báp-tít, chết trên thập tự giá, bị chôn và sau đó sống lại một lần nữa từ cói chết, và bởi đó mà thanh tẩy tất cả tội lỗi của chúng ta và chịu lấy sự đoán phạt của tất cả những tội lỗi ấy. Những ai tin vào Lẽ Thật này là những người đã được tha tội, và những người không tin vào điều này đáng bị kết án là tội nhân.
Tiêu chuẩn phán xét cho người công chính—nghĩa là, liệu họ có sống những cuộc đời đáng giá hay chưa—cũng dựa trên việc họ đã phục vụ Phúc-âm của nước và Thánh Linh tốt như thế nào. Nhân tiện, đối với tất cả những sự xét đoán, câu hỏi liệu một người có tin vào Phúc-âm của nước và Thánh Linh hay không tạo nên tiêu chuẩn cốt lõi quan trọng nhất. Bất cứ ai không tin vào Phúc-âm chân chính này trước mặt Đức Chúa Trời vẫn sẽ là tội nhân. Bất cứ ai bỏ sót dù chỉ là một trong bốn sợi chỉ của Cựu Ước—tức là sợi chỉ màu xanh, tím, đỏ, và vải gai đậu mịn—khỏi đức tin của mình, thì sẽ mãi mãi không được cứu khỏi tội, vì sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời đòi hỏi đức tin của tất cả bốn sợi chỉ này. 
Trong số các Cơ-đốc-nhân ngày nay, có nhiều người nói rằng họ đã được tái sanh chỉ bởi tin vào dòng huyết của thập tự giá. Đánh giá đức tin của các Cơ-đốc-nhân chỉ tin vào dòng huyết của thập tự giá này, chúng ta có thể kết luận rằng đức tin của họ là một đức tin thiếu sót, vì đức tin của họ là giả mạo khi bỏ đi sợi chỉ màu xanh (phép báp têm của Chúa Jêsus). Chúa Jêsus có thể gánh lấy tội lỗi của nhân loại khi Ngài chết trên thập tự giá sao? Lý do Chúa Jêsus có thể bị đóng đinh, đổ huyết, và chết trên thập tự giá là do trước hết Ngài đã gánh lấy tất cả tội lỗi của chúng ta bằng cách chịu báp têm bởi Giăng Báp-tít trên sông Giô-đanh trước đó. Nếu Chúa Jêsus không được Giăng làm báp têm, thì làm sao tội lỗi của thế gian có thể được chuyển cho Ngài? Bởi vì tội lỗi của chúng ta đã được chuyển lên thân thể của Đức Chúa Jêsus Christ thông qua phép báp têm của Ngài nên Đấng Christ có thể gánh lấy mọi tội lỗi của thế gian này, bị đóng đinh, và tuôn đổ dòng huyết của Ngài cho đến chết để hoàn thành sự cứu rỗi của chúng ta. 
Chúa Jêsus bị đóng đinh vì Ngài đã chấp nhận tội lỗi của nhân loại khi Ngài chịu báp têm bởi Giăng Báp-tít. Nhưng đối với phép báp têm của Ngài, Ngài có thể gánh lấy tội lỗi của chúng ta bằng cách nào khác? Ngài có thể treo ai trên thập tự giá để hoàn thành ý muốn của Đức Chúa Cha? Nói cách khác, nếu Đức Chúa Jêsus Christ đã không gánh lấy tội lỗi của chúng ta bằng cách chịu báp têm, thì làm sao Ngài có thể chết trên thập tự giá? Điều này không đúng sao? Nếu Đức Chúa Jêsus Christ đã không được báp têm bởi Giăng Báp-tít, thì tất cả tội lỗi của bạn vẫn sẽ còn nguyên vẹn trong tấm lòng của bạn. Nếu thân thể của Đức Chúa Jêsus Christ không gánh lấy tội lỗi của thế gian, thì lý do gì khiến Ngài chết trên thập tự giá thế chỗ cho chúng ta? 
 

Những Câu Hỏi Được Đặt Ra Từ Sự Thiếu Hiểu Biết Về Phúc Âm Của Nước Và Thánh Linh

Có một số người hỏi rằng: “Nếu đúng là Chúa Jêsus đã gánh lấy tất cả tội lỗi của chúng ta bằng cách chịu báp têm, thì điều này có nghĩa là Chúa Jêsus có tội trên thân thể Ngài, và nếu đây là sự thật, thì làm sao Chúa Jêsus tội lỗi này có thể trở thành Cứu Chúa của tội nhân?”
Đây là một câu hỏi gây khó chịu phát sinh từ sự hoàn toàn không biết gì về Phúc-âm của nước và Thánh Linh. Chính trên xác thịt của Ngài mà Chúa Jêsus đã gánh lấy tội lỗi của nhân loại khi Ngài chịu báp têm. Nói cách khác, Ngài đã không gánh lấy tội lỗi của thế gian trên Thần Linh của Ngài. Bản chất thiêng liêng của Chúa Jêsus được báp têm vẫn hoàn toàn thánh khiết. Ngài chỉ chịu báp têm trong xác thịt của Ngài, và do đó, Ngài chỉ gánh lấy tội lỗi của thế gian trên thân thể của Ngài mà thôi. Bởi vì Chúa Jêsus đã chịu báp têm bởi Giăng Báp-tít nên Ngài có thể bị đóng đinh và bị đoán phạt vì tất cả tội lỗi, tuôn đổ dòng huyết của Ngài và chết trên thập tự giá. Chính Chúa Jêsus không hề phạm phải bất cứ tội lỗi gì trên thế gian này (2 Cô-rinh-tô 5:21). Nhưng bởi vì Đức Chúa Jêsus Christ đã gánh lấy tội lỗi của thế gian bằng cách chịu báp têm bởi Giăng Báp-tít nên những tội lỗi của thế gian này đã được đặt trên chính thân thể của Ngài. Nếu điều này không đúng, thì Đức Chúa Jêsus Christ không bao giờ có thể trở thành Cứu Chúa của chúng ta.
Điều tôi thực sự muốn nói với những người thiếu hiểu biết đó là Chúa Jêsus đã không gánh lấy tội lỗi của thế gian trên thập tự giá. Để tôi nói lại điều này với bạn: “Chúa Jêsus đã chết trên thập tự giá là do Ngài đã gánh lấy tội lỗi của thế gian khi Ngài chịu báp têm bởi Giăng Báp-tít trên sông Giô-đanh.” Nếu điều này không đúng, thì Chúa Jêsus không có cơ hội nào khác để gánh lấy tội lỗi của thế gian. Mặc dù Chúa Jêsus đã trở thành Chiên Con tế lễ của tất cả tội nhân, nhưng cơ bản mà nói, Ngài không có tội gì trong lòng của Ngài. Không phải Chúa Jêsus đã có tội từ khi Ngài được sinh ra đời, nhưng đúng hơn, bằng cách chịu báp têm bởi Giăng Báp-tít, Ngài đã chấp nhận tội lỗi của thế gian vốn được chuyển qua thân thể của Ngài. Đây là cách Chúa Jêsus đã trở thành của lễ hợp pháp cho tất cả tội lỗi của thế gian. Nói cách khác, bởi vì Chúa Jêsus đã gánh lấy tội lỗi của nhân loại bằng cách chịu báp têm, nên sau đó Ngài có thể tuôn đổ huyết của Ngài, chết trên thập tự giá. Sau cùng, Ngài đã sống lại từ cõi chết, và bởi thế mà trở thành Cứu Chúa thật của chúng ta. Bằng cách làm như vậy, Ngài đã gánh chịu mọi sự đoán phạt của tội lỗi. Thế nên, bởi đức tin nơi Phúc-âm của nước và Thánh Linh, bạn phải được cứu ra khỏi tất cả tội lỗi của mình nếu như bạn vẫn có tội trong lòng.
 


Lịch Sử Của Cơ Đốc Giáo Bại Hoại


Trong thời kỳ Hội thánh Đầu Tiên, nhờ tin vào phép báp têm của Chúa Jêsus cùng dòng huyết của thập tự giá nên các sứ đồ như Phao-lô và Phi-e-rơ và các thánh đồ thời đầu cũng có thể trở thành và làm việc như các thầy tế lễ thuộc linh. Theo lịch sử, sau khi thời kỳ Hội thánh Đầu Tiên và thời kỳ Giáo Phụ qua đi, Lẽ Thật của Phúc-âm của nước và Thánh Linh bắt đầu hư hoại, và Sắc lệnh Milan vào năm 313 sau Công Nguyên đã đẩy nhanh quá trình suy tàn đó. Tôi tin rằng chính từ sự bại hoại này mà các tội nhân Cơ-đốc đã xuất hiện ngày nay. Kể từ đó, một số lượng lớn các Cơ-đốc-nhân hữu danh vô thực đã nổi lên, và họ tuyên bố đã nhận được sự tha tội dẫu rằng họ chỉ tin vào dòng huyết của thập tự giá. Từ đó trở đi cho đến nay, Phúc-âm được thể hiện trong sợi chỉ màu xanh, tím, và đỏ đã không được làm chứng, nhưng vẫn cứ bị che giấu. Thực tế đáng lo ngại đó là đã nảy sinh ra nhiều tội nhân Cơ-đốc coi Cơ-đốc-giáo chỉ là một tôn giáo đơn thuần của thế gian này.
Khi chúng ta xét đoán Cơ-đốc-nhân ngày nay dựa trên đức tin giúp chúng ta trở thành các thầy tế lễ thuộc linh, chúng ta có thể thấy rằng nhiều người trong số họ đã hiểu lầm và hiểu sai về sự cứu rỗi cho phép họ nhận được sự tha tội. Chúng ta có thể thấy rằng mọi lời tuyên bố về đức tin của tất cả các hệ phái thuộc Cơ-đốc-giáo ngày nay đều khá giống nhau. Chúng chỉ khác nhau về tên hệ phái của chúng; khi nói đến đức tin của họ, hết thảy họ đều nghĩ rằng mình đã được giải cứu khỏi tội lỗi chỉ bởi việc tin vào dòng huyết trên thập tự giá. Nhưng tấm lòng của họ chưa thực sự được tha tội. Dẫu rằng họ vẫn không hề biết gì về Phúc-âm của nước và Thánh Linh của Đức Chúa Trời, nhưng họ lại nghĩ rằng mình là những Cơ-đốc-nhân tốt. Chúng ta có thể thấy rằng mặc dù những người này tin Chúa Jêsus là Cứu Chúa của họ và tin nơi dòng huyết của thập tự giá, nhưng họ vẫn chỉ bị ám ảnh bởi những lời cầu nguyện ăn năn, vì họ vẫn không biết về Lẽ Thật giúp họ tẩy sạch mọi tội lỗi của mình. Nói cách khác, có những người cố gắng tẩy rửa tội lỗi của họ ngay cả khi họ vẫn không biết gì về quyền năng của Phúc-âm của nước và Thánh Linh.
Đây là lý do tại sao chúng ta hiện đang truyền bá Phúc-âm chân chính của nước và Thánh Linh này một lần nữa cho tất cả mọi người trên toàn thế giới. Bởi vì trên khắp thế giới, người ta không hề biết gì về phép báp têm mà Chúa Jêsus đã nhận từ Giăng Báp-tít, nên chúng ta nhận ra rằng mình phải rao giảng cho họ về Phúc-âm của nước và Thánh Linh được thể hiện trong sợi chỉ màu xanh, tím, và đỏ đã được dùng làm vật liệu cho Đền Tạm này. Tất cả chúng ta đang rao giảng cho mọi người trên toàn thế giới này rằng bởi vì Chúa Jêsus đã gánh chịu tội lỗi của thế gian bằng cách chịu báp têm bởi Giăng Báp-tít, nên Ngài đã gánh lấy mọi sự đoán phạt của tội lỗi bằng cách bị đóng đinh và chết đi. Chúng ta mắc nợ những người này, những người không biết về Phúc-âm của nước và Thánh Linh để truyền bá Phúc-âm này cho họ. Vì vậy, chúng ta nhận ra cần phải cho họ một cơ hội để lắng nghe về Phúc-âm chân chính này, để rồi họ có thể tin.
Ở một số quốc gia, lịch sử của đức tin Cơ-đốc đã có hơn 1000 hoặc thậm chí là hơn 2000 năm. Nhưng rõ ràng là hầu hết các Cơ-đốc-nhân vẫn không có một sự hiểu biết sáng suốt về Phúc-âm của nước và Thánh Linh. Khi chúng ta xét đoán họ dựa trên lẽ thật về Phúc-âm được thể hiện trong Đền Tạm, thì có nhiều người phải tin Chúa Jêsus là Cứu Chúa thêm một lần nữa. Điều tôi đang cố nói đến ở đây đó là bất kể họ đã tin Chúa Jêsus bao lâu, nếu họ vẫn chưa nhận được sự tha tội, thì chúng ta phải dẫn dắt họ để họ tin Chúa Jêsus lần nữa một cách chính xác. Chúng ta phải khẩn trương dạy dỗ Phúc-âm của nước và Thánh Linh cho họ. Sứ Đồ Phao-lô cũng có cùng suy nghĩ như chúng ta, ông nói rằng: “Ví bằng tôi rao truyền Tin lành, tôi chẳng có cớ gì khoe mình, vì có lẽ cần buộc tôi; còn không rao truyền Tin lành, thì khốn khó cho tôi thay” (1 Cô-rinh-tô 9:16). 
 


Đức Chúa Jêsus Christ Là Đức Chúa Trời, Đấng Đã Đến Trong Thân Thể Của Một Con Người Để Cứu Mọi Tội Nhân


Có một số người, dù họ tin rằng Chúa Jêsus là Con của Đức Chúa Trời và là Đấng Cứu Thế của họ, nhưng lại không tin rằng Chúa Jêsus là Đức Chúa Trời. Họ không tin vào chức vụ của Đấng Christ về sợi chỉ màu tím. Những người này thực sự sẽ bị hủy diệt, vì trong lòng họ không có đức tin nơi Lẽ Thật trọn vẹn được mặc khải trong sợi chỉ màu xanh, tím, đỏ, và vải gai đậu mịn, do đóm họ chưa nhận được sự tha tội. Những người không thực sự tin trong lòng họ rằng Chúa đã bôi xóa tất cả tội lỗi của họ đều không có Đức Thánh Linh trong lòng họ, bởi vì họ không có Lời làm chứng để thanh tẩy tội lỗi của họ. 
Khi chúng ta gọi Chúa Jêsus là “Chúa” của chúng ta, từ “Chúa” ở đây có nghĩa là Chủ, biểu hiện rằng chúng ta tin Chúa Jêsus chính là Đức Chúa Trời. Con của Đức Chúa Trời này cũng là Đức Chúa Trời thật sự. Để giải thích cho điều này, tôi thường sử dụng phép ẩn dụ sau đây. Khi loài người thụ thai, họ sinh ra một con người khác. Loài chó thì đẻ ra chó con. Chim đẻ ra chim. Nói cách khác, cũng như có nhiều giống và loài khác nhau, Đức Chúa Cha đã sinh ra Con Một, và Ngài cũng là Đức Chúa Trời (Thi Thiên 2:7). Ngài thực sự ngang bằng với chính Đức Chúa Trời trong bản chất của Ngài (Phi-líp 2:6), nhưng Ngài đã trút bỏ chính mình Ngài và trở thành con người giống như chúng ta. Để cứu chúng ta ra khỏi tội, Ngài đã đến đất này, chịu báp têm, chết trên thập tự giá, sống lại từ cõi chết, và, là Cứu Chúa thật của chúng ta, bởi đó, Ngài đã ban cho chúng ta đức tin cứu rỗi thật.
Tuy nhiên, có rất nhiều người phủ nhận rằng Chúa Jêsus là Đức Chúa Trời. Trong các trường học, họ giảng dạy công khai rằng Chúa Jêsus là một trong bốn vị hiền triết xuất hiện vào thời cổ đại. Thậm chí, ý niệm như vậy xuất phát từ các Giáo Phụ. Mặc dù họ đã nghe về Phúc-âm thật từ các tổ phụ về đức tin của mình, nhưng một vài người trong số họ lại có một đức tin mạnh mẽ đến mức họ đã tuyên xưng đức tin của mình bằng cách chịu tử đạo, nhưng những người khác lại phủ nhận thần tánh của Chúa Jêsus. Một số các Giáo Phụ thậm chí còn viết các tác phẩm văn học đề xuất rằng Chúa Jêsus là Con của Đức Chúa Trời nhưng không phải là chính Đức Chúa Trời.
Gần đây, nhiều nhà thần học đã bắt đầu ủng hộ chủ nghĩa đa nguyên tôn giáo. Lời tuyên bố của họ đó là người ta có thể được cứu khỏi tội và lên thiên đàng ngay cả khi họ tin vào các tôn giáo khác ngoài Cơ-đốc-giáo. Công Giáo đã tiên phong công bố một tín điều như vậy một cách công khai. Lý do các Cơ-đốc-nhân trên danh nghĩa này ủng hộ quan điểm như vậy đó là vì bản thân họ không tin rằng Chúa Jêsus chính là Đức Chúa Trời và là Đấng Tạo Hóa. Họ muốn tin Ngài như Lời phán ra, nhưng họ không thể xây dựng đức tin chân chính này dựa trên một sự dạy dỗ sai lầm như vậy. Họ là những người dại xây nhà trên cát (Ma-thi-ơ 7:26). Họ yêu thích học hỏi mọi thứ từ các tôn giáo khác. Ví dụ, một số nhà thờ phương tây đang thực hành các chương trình thiền định của Phật Giáo mỗi tuần một lần. Theo quan điểm nhân văn, một chương trình như vậy có vẻ tốt đẹp và tiến bộ hơn. Nhưng bất cứ ai không tin rằng Chúa Jêsus chính là Đức Chúa Trời thì không thể được cứu ra khỏi tội.
Còn bạn thì sao? Bạn tin như thế nào? Sáng Thế Ký 1:1-3 công bố, “Ban đầu Đức Chúa Trời dựng nên trời đất. Vả, đất là vô hình và trống không, sự mờ tối ở trên mặt vực; Thần Đức Chúa Trời vận hành trên mặt nước. Đức Chúa Trời phán rằng: Phải có sự sáng; thì có sự sáng.” Đức Chúa Trời đã tạo dựng nên trời và đất thông qua Lời của Ngài lúc ban đầu. Ngôi Lời đã tồn tại từ thuở sơ khai, và Ngôi Lời này chính là Đức Chúa Trời. Vì vậy, thế gian đã được tạo ra thông qua Đức Chúa Jêsus Christ, sự hiện thân của Ngôi Lời (1 Giăng 1:1, Giăng 1:10). Điều này có nghĩa là Đức Chúa Jêsus Christ chính là Đức Chúa Trời, Đức Chúa Trời của Ngôi Lời. Đức Chúa Cha là Đấng Tạo Hóa, Đấng đã tạo ra vũ trụ này và là Đấng Cứu Thế đã đến trái đất này để cứu chúng ta. Chúng ta phải tin rằng Đức Chúa Jêsus Christ này chính là Đức Chúa Trời, Đấng đã từ bỏ ngai vinh hiển của thiên đàng và đích thân đến đất này trong xác thịt của một con người.
Qua cá tôi tớ của Ngài, chính Đức Chúa Trời đã tiên tri về sự đến của Đấng Mê-si, và theo những lời tiên tri này, Đấng Cứu Thế đã được thụ thai trong thân thể của nữ đồng trinh Ma-ri và hiện thân trong xác thịt của một con người. Tức là, Đấng đã được thụ thai và sinh ra thông qua thân thể của một con người chính là Đức Chúa Trời. Và khi Ngài 30 tuổi, với tư cách là Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm của thiên đàng, Ngài đã gánh lấy tất cả tội lỗi của chúng ta cùng tội lỗi của cả nhân loại lên chính thân thể của Ngài bằng cách chịu báp têm. Sau đó, Ngài đã chết trên thập tự giá, sống lại từ cõi chết, và bởi đó Ngài đã cứu chúng ta ra khỏi tất cả tội lỗi của chúng ta một cách hoàn hảo. Nói cách khác, Chúa Jêsus đã trở thành Cứu Chúa thật sự và vĩnh cửu của chúng ta.
Trong bản chất cơ bản của Ngài, Chúa Jêsus chính là Đức Chúa Trời, Đấng ngang hàng với Đức Chúa Cha. Đối với chúng ta, Chúa Jêsus, về cơ bản ngang hàng với Đức Chúa Cha này, là cùng một Đức Chúa Trời. Cha của Đức Chúa Jêsus Christ cũng là Đức Chúa Trời đối với chúng ta, và chính Đức Chúa Jêsus Christ cũng vậy. Tại sao? Bởi vì thế gian do Ngài tạo ra, và qua Ngài mà chúng ta cũng đã được tạo ra là con người. Đức Chúa Trời đã phán trong Sáng Thế Ký 1:26, “Chúng ta hãy làm nên loài người như hình ta và theo tượng ta.” Khi Đức Chúa Trời tạo ra loài người theo hình ảnh của Ngài, Đức Chúa Jêsus Christ đã ở đó. Ngài là Đấng đã tạo ra chúng ta. Chính Ngài là Đấng đã tạo ra chúng ta và chính Ngài là Đấng đã cứu chúng ta ra khỏi tội. Đức Chúa Jêsus Christ đã đến để cứu chúng ta là Cứu Chúa thật của chúng ta. Bởi vì Đức Chúa Jêsus Christ đã ban cho chúng ta sự cứu rỗi, và bởi vì Ngài cũng chính là Đức Chúa Trời, nên chúng ta tin Ngài là Chúa của sự cứu rỗi chúng ta. Như vậy, bạn và tôi không nên đi lang thang trong sự bối rối của mình nữa, nhưng trong lòng mình, chúng ta phải tin vào Chúa, Đức Chúa Trời, Đấng đã đến bởi Phúc-âm của nước và Thánh Linh là Đấng Cứu Thế.
Có những người luôn khăng khăng rằng họ là con của Đức Chúa Trời dẫu cho tấm lòng của họ vẫn còn tội lỗi. Họ thực sự có thể là dân sự của Đức Chúa Trời ngay cả khi tấm lòng của họ có tội hay không? Họ có thể lên thiên đàng ngay cả khi tấm lòng của họ vẫn còn tội lỗi hay không? Tất nhiên là không! Họ có là Cơ-đốc-nhân hay không cũng không thành vấn đề; nếu họ chưa nhận được sự tha tội bởi vì sự thiếu hiểu biết của họ về Phúc-âm của nước và Thánh Linh, thì không ai trong số họ có thể vào được thiên đàng. Tuy nhiên, trong các cộng đồng Cơ-đốc trên khắp thế giới này, có rất nhiều người có loại đức tin này.  
Vậy thì ai phải truyền bá Phúc-âm chính xác và chân chính của nước và Thánh Linh cho những người như vậy? Chúng ta—tức là bạn và tôi—phải đưa ra phán xét đúng đắn cho họ và rao giảng lẽ thật Phúc-âm của nước và Thánh Linh cho họ. Phúc-âm được thể hiện trong Đền Tạm không phải là loại đức tin chỉ nên được rao giảng một hai lần và rồi từ bỏ hoàn toàn. Lẽ Thật của sự cứu rỗi thực sự phải tiếp tục được lan truyền cho đến ngày Chúa tái lâm. 
Bạn có biết Phúc-âm của nước và Thánh Linh giúp bạn nhận được sự tha tội này không? Nếu người ta có tội thì họ không phải là con của Đức Chúa Trời. Họ phải có đức tin nơi lẽ thật Phúc-âm của sự cứu rỗi được thể hiện trong sợi chỉ màu xanh, tím, đỏ dùng làm vật liệu cho Đền Tạm. Chúng ta phải truyền bá Phúc-âm của nước và Thánh Linh cho đến tận cùng thế giới. Chúng ta có quá xấu hổ để rao giảng Phúc-âm của nước và Thánh Linh hay không? Ngày xưa, khi Đức Chúa Trời bảo các tôi tớ của Ngài: “Hãy đi và tiếp tục nói tiên tri”, thì họ đã tiếp tục làm như vậy, và khi Đức Chúa Trời bảo Ê-sai rằng: “Hãy trần truồng mà nói tiên tri”, thì ông đã đi ra và trần truồng mà nói tiên tri (Ê-sai 20:2-5). Chỉ khi chúng ta rao giảng Phúc-âm của nước và Thánh Linh này như nó được thể hiện trong Đền Tạm cho tất cả mọi người, thì họ có thể thoát khỏi cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời. Đây là lý do tại sao chúng ta phải tiếp tục rao giảng Phúc-âm.
Còn bạn thì sao? Trên thực tế, tấm lòng của bạn có Lời đức tin đem đến sự cứu rỗi thật cho bạn không? Khi con người trên khắp thế giới không có Lời của sự tha tội và vẫn thuộc về Sa-tan, làm sao bạn có thể chỉ ngồi yên và không làm gì cả? Bạn không thể chỉ ngồi một chỗ được. Có nhiều đối tác của chúng ta trên thế giới. Rõ ràng họ tin vào Phúc-âm của sự tha tội, Phúc-âm của nước và Thánh Linh. Một số người họ đã thú nhận với chúng ta rằng họ đã bị bắt bớ khi họ nói về Phúc-âm của nước và Thánh Linh cho đồng nghiệp của mình. Họ đã bất chấp điều đó điều đó để chống lại những kẻ đối đầu với Phúc-âm của nước và Thánh Linh, nói rằng: “Anh không phải là dân sự của Đức Chúa Trời bởi vì anh vẫn có tội trong lòng mình. Anh đang đi thẳng xuống địa ngục bởi những tội lỗi dơ bẩn của anh, do anh không tin vào Phúc-âm của nước và Thánh Linh. Bây giờ, tôi không thể gọi anh là ‘người anh em’, mặc dù anh gọi tôi là ‘người anh em của tôi’, vì tôi không phải là một tội nhân giống như anh nữa.”
Chúng ta chưa bao giờ chỉ họ hành động như vậy, nhưng Đức Thánh Linh trong họ dẫn dắt họ việc phải làm. Bạn không cần phải đe dọa, vì bạn có Phúc-âm của nước và Thánh Linh cấu thành nên tiêu chuẩn mà dựa trên đó bạn có thể xét đoán tất cả những người khác trong lòng mình. Khả năng để phân biệt chính xác về sự tha tội của người khác này đã được tích lũy cho bạn bởi vì bạn đã tin vào Phúc-âm của Lẽ Thật được thể hiện đặc biệt trong Đền Tạm. Chúng ta phải đứng trước Đức Chúa Trời với đức tin nơi Lẽ Thật với ba sợi chỉ màu xanh, tím, và đỏ này, Chúa đã cứu chúng ta ra khỏi tất cả tội lỗi của chúng ta và khiến chúng ta trở nên công chính.
 

Chúng Ta Hãy Sử Dụng Thước Đo Chính Xác Của Sự Cứu Rỗi

Chúng ta gọi Lời của Đức Chúa Trời là ‘canon’. Từ ‘canon’ bắt nguồn từ thuật ngữ tiếng Hê-bơ-rơ qaneh và thuật ngữ tiếng Hy Lạp kanon, cả hai đều nói đến một cái thước đo. Khi chúng ta cần phải đo một vật nào đó thì chúng ta phải sử dụng một cây thước hoặc một cái que đo để đo cho chính xác. Như vậy, khi chúng ta cần phân biệt tình trạng thuộc linh của một ai đó, tức là liệu người đó đã được tái sanh hay chưa, thì chúng ta phải dò xét người đó bằng thước đo của sợi chỉ màu xanh, tím, đỏ, và vải gai đậu mịn. Giống như một người thợ may sử dụng cây thước của mình để đo kích cỡ của khách hàng, chúng ta cũng phải kiểm tra xem liệu người đó đã thực sự được cứu khỏi tội hay chưa. Cách thức để làm việc này đó là bằng lẽ thật được thể hiện trong sợi chỉ màu xanh, tím, đỏ, và vải gai đậu mịn. Nói cách khác, dựa trên Lời này của Đức Chúa Trời, chúng ta phải chọn lọc mọi khía cạnh đức tin của người đó và phân biệt rõ điều gì thấp hơn tiêu chuẩn và điều gì vượt quá tiêu chuẩn của nó. 
Đặc biệt, chúng ta cần phải kiểm tra đức tin của mình một cách kỹ lưỡng bằng thước đo của sợi chỉ màu xanh, tím, và đỏ, tức là Phúc-âm của nước và Thánh Linh. Nếu ai đó chỉ tin Chúa Jêsus với sợi chỉ màu tím và đỏ thì sự cứu rỗi của họ không thể được Đức Chúa Trời chấp thuận giống như các thầy tế lễ hoàng gia của Hội thánh Ngài. Bất cứ ai muốn được tha tội mình thì phải tin vào lẽ thật trọn vẹn của sự cứu rỗi được thể hiện trong sợi chỉ màu xanh, tím, và đỏ. Tất cả chúng ta phải tin rằng Chúa Jêsus đã đến đất này để cứu toàn thể nhân loại ra khỏi tội, gánh lấy tội lỗi của chúng ta bằng cách chịu báp têm, chết trên thập tự giá, sống lại từ cõi chết, và do đó, Ngài đã trở thành Cứu Chúa thật của chúng ta. Tất cả chúng ta phải có tiêu chuẩn của sự xét đoán đúng đắn này. Chúng ta có thể quyết định liệu người ta là tội nhân hay người công chính dựa trên Lời của Đức Chúa Trời. Chúng ta không thể làm điều này dựa trên kiến thức và cảm xúc riêng của mình theo kiểu đặc biệt. Công việc này là cần thiết cho các thầy tế lễ thuộc linh để thực hiện nhiệm vụ dâng của lễ chuộc tội cho dân sự của họ.
Bây giờ, trong thời đại này, bạn và tôi phải xét đoán mọi người trên thế giới bằng một tiêu chuẩn đúng đắn như vậy. Tiêu chuẩn tương tự áp dụng bình đẳng cho tất cả mọi người, cho con cái, vợ, chồng, cha và mẹ, người thân bên vợ/chồng, và cháu của chúng ta. Chúng ta phải phân biệt đức tin của những người khác bằng Lời của Đức Chúa Trời. Những người đã trở thành các thầy tế lễ phải đặt thước đo của sự xétđoán trong lòng mọi người. “Bạn có biết và tin vào lẽ thật của Chúa Jêsus về sợi chỉ màu xanh, tím, đỏ, và vải gai đậu mịn không? Nếu bạn tin vào điều này, thì bạn được cứu, nhưng nếu không, thì bạn không được cứu.” Đưa ra một sự xét đoán rõ ràng như vậy là việc đúng để chúng ta làm.
Nếu đây không phải là điều Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm đã làm trước đây, thì bạn và tôi, những người đã trở thành các thầy tế lễ thuộc linh ngày nay nhất định cũng phải làm việc này. Nếu chúng ta không làm việc mình phải làm như các thầy tế lễ, thì chúng ta không bao giờ có thể tránh khỏi việc bị Đức Chúa Trời quở trách. Một số người nói rằng: “Đó không phải là cách để truyền giáo cho ai đó. Đây là cách bạn truyền giáo! Nếu tất cả chúng ta đều truyền giáo cho mọi người như bạn, thì ai sẽ tin vào Chúa Jêsus?” 
Trong thần học, có một khóa huấn luyện được gọi là “Nghệ thuật truyền bá Phúc-âm”. Nó cung cấp một cách hướng dẫn để truyền bá Phúc-âm. Thuật ngữ “truyền giáo bằng tình bạn” đã từng là một câu cửa miệng của mọi nhà giảng đạo trong lĩnh vực này. Các tín đồ của nó vẫn dạy rằng khi chúng ta cố gắng truyền bá Phúc-âm cho mọi người, trước tiên chúng ta phải kết bạn với họ và sau đó dần dần dẫn dắt họ đến nhà thờ. Họ đúng. Họ cũng nói rằng khi người ta quyết định tin Chúa Jêsus bằng các nỗ lực truyền giáo của họ, thì họ khiến người đó lặp lại cái gọi là lời cầu nguyện tiếp nhận Chúa Jêsus, để rồi Đấng Christ sẽ vào trong lòng của người đó và người đó sẽ được cứu.
Nhưng kết quả cuối cùng của cách tiếp cận này là gì? Tội lỗi có biến mất khỏi tấm lòng của những người mới cải đạo đó không? Điều này không đúng. Họ đi nhà thờ, nhưng họ vẫn có tội, nói cách khác, những người mới cải đạo chỉ trở thành một người thực hành tôn giáo khác của Cơ-đốc-giáo mà thôi. Do vậy, sau khi khiến những người như vậy tin nơi Chúa Jêsus, họ khiến những người đó dâng hiến phần mười hoặc dâng của lễ tạ ơn. Cuối cùng, mặc dù họ đã trở thành Cơ-đốc-nhân, nhưng họ không thể thoát khỏi sự xét đoán của Đức Chúa Trời, vì họ vẫn có tội. 
Họ nói với chúng ta rằng phương pháp truyền bá Phúc-âm của chúng ta là sai, rằng: “Làm sao bạn có thể hỏi người khác là họ có tội hay không khi bạn chỉ vừa gặp họ? Làm sao bạn có thể nêu ra vấn đề cứu rỗi quá nhanh chóng, đưa ra sự xét đoán của bạn và việc liệu người đó có được cứu hay chưa, khi bạn hầu như không biết gì về họ?” Tất nhiên, chúng ta cần phải cân nhắc những gì họ nói, bởi vì linh hồn mà chúng ta muốn cứu có một tính cách có thể dễ bị tổn thương bởi môi miệng của chúng ta. Nhưng sớm hay muộn, chúng ta cũng phải rao giảng Phúc-âm cứu rỗi cho những người không tin mà chúng ta đang tiếp xúc. Bất kể chúng ta có thân thiết với họ đến đâu, nhưng vì sớm hay muộn chúng ta cũng phải rao giảng Phúc-âm cho họ, nên chúng ta phải tạo ra một cơ hội để rao giảng Phúc-âm bằng đức tin. Tại sao? Bởi vì nếu chúng ta không nói với họ về Lẽ Thật này cho đến cùng, thì chúng ta sẽ không truyền bá Phúc-âm một cách thích hợp. 
Vì vậy, chúng ta phải hỏi mọi người, dù ngay từ đầu hay khi kết thúc cuộc trò chuyện của chúng ta về việc truyền giáo: “Bạn có tội trong lòng mình không?” Nếu câu trả lời là có, thì chúng ta phải rao giảng Phúc-âm của nước và Thánh Linh cho họ. Tất nhiên, chúng ta có thể bị họ quở trách vì sự công kích của chúng ta. Nhưng bởi vì dù sao chúng ta cũng là các thầy tế lễ thuộc linh, nên chúng ta phải nhớ rằng nhiệm vụ trọng đại của chúng ta đó là phải kêu lên tiếng kèn Phúc-âm của nước và Thánh Linh cho mọi người một cách rõ ràng.
 


Một Chúa, Một Phép Báp Têm, Và Một Đức Chúa Trời


Chúng ta đã được xóa bỏ tất cả tội lỗi của mình, và mục đích của cuộc đời chúng ta nằm ở việc truyền bá Phúc-âm trên khắp thế giới. Vì chúng ta đã được giao cho các nhiệm vụ giống nhau của những người truyền bá Phúc-âm, những người rao giảng Phúc-âm của nước và Thánh Linh, nên chúng ta cùng nhau làm việc. Tại sao chúng ta lại đang làm điều này? Bởi vì chúng ta tin vào cùng một Đức Chúa Trời, chúng ta đã nhận được cùng một sự sống đời đời, và chúng ta sẽ tận hưởng cùng một sự vinh hiển. Tất cả chúng ta đều khác nhau, mỗi người đều có tính cách và đặc điểm riêng, nhưng lý do chúng ta gạt bỏ bản thân sang một bên và cùng hiệp một với nhau đó là để dẫn dắt cuộc đời của chúng ta, chỉ do Đức Chúa Trời mà thôi. 
Đức Chúa Trời đã đặt bảng đeo ngực về sự xét đoán trên tim của những người đã trở thành các thầy tế lễ ngày nay. Và bảng đeo ngực phải được gắn chặt “Rồi một sợi dây màu tím sẽ cột hai cái khoanh của bảng đeo ngực lại cùng hai cái khoanh ê-phót, hầu cho nó dính với đai, đừng rớt khỏi ê-phót” (Xuất Ê-díp-tô Ký 28:28). Một lần nữa, đoạn này lại nhấn mạnh về việc phép báp têm của Chúa Jêsus là cần thiết như thế nào trong mọi sự xét đoán mà chúng ta đưa ra. Vì vậy, Sứ Đồ Phao-lô cũng tuyên bố tầm quan trọng của phép báp têm của Chúa Jêsus, ông nói rằng: “Chỉ có một thân thể, một Thánh Linh, như anh em bởi chức phận mình đã được gọi đến một sự trông cậy mà thôi; chỉ có một Chúa, một đức tin, một phép báp-têm” (Ê-phê-sô 4:4-5). 
Chúng ta có trách nhiệm phán xét liệu linh hồn của mọi người có được cứu hay không dựa trên việc liệu họ có tin vào Phúc-âm của nước và Thánh Linh hay không. Và đối với những người chưa nhận được sự tha tội, thì chúng ta phải rao giảng Phúc-âm, và đối với những người đã nhận được sự tha tội, thì chúng ta phải công nhận họ và giúp họ tăng trưởng trong đức tin của họ. Khi chúng ta đã được xá tội, có đúng không khi chúng ta đeo bảng đeo ngực về sự xét đoán trên phương diện thuộc linh? Nói cách khác, có đúng không khi chúng ta tránh đi sự phán xét chính xác về sự cứu rỗi đối với một người nào đó hay không. Điều này không đúng. Chúng ta phải truyền bá Phúc-âm của nước và Thánh Linh trên khắp thế giới rộng lớn cho mọi người, những người chưa được cứu.
 

Vậy Thì, Chúng Ta Có Hoàn Hảo Trong Xác Thịt Của Mình Hay Không?

Khi chúng ta xét đoán tội nhân, chúng ta không xét đoán hành vi của họ. Đúng hơn, chúng ta phân biệt họ bằng ánh sáng của Phúc-âm thật này và sự công chính của Đức Chúa Trời. Sự sáng thật đối với họ là gì? Trở thành con của Đức Chúa Trời bằng cách tin vào Phúc-âm của nước và Thánh Linh là sự sáng này đối với họ. Con cái của Đức Chúa Trời là sự sáng của thế gian này. Vậy thì điều này có nghĩa là những ai đã hoàn toàn được tha tội đều hoàn hảo trong hành động của họ phải không? Tất nhiên, họ hoàn hảo trong tấm lòng của họ. Nhưng họ hoàn toàn thiếu sót trong xác thịt của họ.
Trong xác thịt mình, tất cả chúng ta đều ích kỷ, độc ác, thiếu sót và yếu đuối, nhưng trước Đức Chúa Trời, chúng ta là dân sự hoàn hảo của Ngài. và những ai có hành vi thiếu sót nhưng lại tin vào Phúc-âm của nước và Thánh Linh thì có là con của Đức Chúa Trời hay không? Chúng ta, những người tin vào Phúc-âm của nước và Thánh Linh là con của Đức Chúa Trời, những người có sự cứu rỗi hoàn hảo về mặt tâm linh. Nói cách khác, không phải hành động của những người đã được tha tội nhờ tin vào sợi chỉ màu xanh, tím, và đỏ là hoàn hảo, nhưng chính sự cứu rỗi của họ mới hoàn hảo. Bởi vì đức tin đã cứu chúng ta là trọn vẹn, nên chúng ta có thể kết giao với nhau trong ân điển của Đức Chúa Trời. Và bởi vì chúng ta đưa ra quyết định của mình với lẽ thật chính xác của sợi chỉ màu xanh, tím, và đỏ, nên đức tin và sự xét đoán của chúng ta không bao giờ sai sót.
Đức Chúa Trời đã bảo chúng ta phải luôn đặt tiêu chuẩn của sự xét đoán này trên tim của các thầy tế lễ. Chúng ta phải ôm lấy tất cả mọi người trên thế giới này vào lòng mình. Chúng ta phải ôm lấy linh hồn của họ, cầu nguyện cho họ, và thực sự truyền bá Phúc-âm của nước và Thánh Linh cho họ. Đây là lý do mà chúng ta phải luôn có bảng đeo ngực về sự xét đoán trong lòng mình. Hôm nay và ngày mai, chúng ta phải luôn luôn xét đoán tất cả tội nhân là những người có tội để rao giảng Phúc-âm của nước và Thánh Linh cho họ.
Mong muốn chân thành của tôi đó là lẽ thật của đức tin này được tìm thấy trong lòng bạn. Nếu lẽ thật này có trong lòng bạn, thì có nghãi là quyền xét đoán tất cả mọi người đã được ban cho bạn. Hãy tin vào Lời của lẽ thật này. Hãy luôn đưa ra sự xét đoán của bạn dựa trên Lời của Đức Chúa Trời bằng cách này, và luôn hết lòng tin tưởng cũng như truyền bá Phúc-âm của nước và Thánh Linh.
Mỗi ngày, tôi đều nhớ tấm bảng đeo ngực về sự xét đoán này trong lòng mình, xét đoán mọi thứ trước mặt Đức Chúa Trời, và tiếp tục lan truyền Phúc-âm. Trên thực tế, sự lặp lại là một phương tiện cực kỳ hiệu quả để truyền bá Phúc-âm. Chúng ta thật dễ quên biết bao! Các nhà sư phạm học nhấn mạnh rằng giáo dục bằng cách lặp lại là cách giáo dục truyền thống và hiệu quả nhất. Một nhà ngôn ngữ học đã từng khẳng định rằng một đứa trẻ có thể phát âm một từ chính xác bằng cách lặp lại từ đó hơn một ngàn lần. Tương tự như vậy, khi chúng ta liên tục và nhiều lần truyền bá Lời về lẽ thật của Phúc-âm của nước và Thánh Linh, Lời ấy sẽ được khắc sâu trong lòng chúng ta. Tôi đã viết đi viết lại về Lẽ Thật Phúc-âm này để rồi khi mọi người đọc sách của chúng ta, họ có thể đạt được một sự hiểu biết tỏ tường về lẽ thật của sợi chỉ màu xanh, tím, đỏ, và vải gai đậu mịn, và tin vào nó. Đó là lý do tại sao chúng ta tiếp tục rao giảng Lẽ Thật Phúc-âm này. 
Hỡi anh chị em, chúng ta, các thánh đồ, phải tuyên xưng đức tin của mình với nhau. Khi chúng ta tuyên xưng đức tin của mình và chia sẻ ân điển của Đức Chúa Trời với nhau, tấm lòng của chúng ta có thể thực sự gắn bó với nhau, và bất cứ kiến thức sai trật hoặc hiểu lầm nào chúng ta đã có cũng có thể được sửa chữa và điều chỉnh. Chúng ta có thể lớn lên về mặt thuộc linh qua việc này. Khi đức tin của chúng ta lớn lên, đời sống đức tin của chúng ta cũng tiến tới. Chúng ta đã suy nghĩ sai trật bao nhiêu lần? Kiến thức trước đây của chúng ta đã sai sót đến dường nào? Và bao nhiêu phần trăm trong số đó chỉ là lý thuyết trên thực tế? Tất cả những niềm tin mà chúng ta đã có trước khi chúng ta nhận biết Phúc-âm của nước và Thánh Linh chỉ là lý thuyết mà thôi.
Sứ Đồ Phao-lô đã nói rằng bất cứ ai rao giảng Phúc-âm nào khác với Phúc-âm mà ông đã rao giảng thì sẽ bị rủa sả (Ga-la-ti 1:9). Phao-lô cũng đã nói rằng ông coi tất cả những gì ông biết ngoài lẽ thật của Đức Chúa Trời đều là rác rưởi. Tuy nhiên, trong Cơ-đốc-giáo ngày nay, những người chỉ khoe khoang về kiến thức tôn giáo rác rưởi của chính họ lại trở nên quyền lực.
Bởi vì chúng ta, những người đã được cứu bởi sợi chỉ màu xanh, tím, đỏ, và vải gai đậu mịn gần gũi với nhau, nên chúng ta có thể cùng nhau hiệp một bởi tấm lòng của mình. Và chúng ta không hổ thẹn về Phúc-âm của nước và Thánh Linh này, vì Lẽ Thật này đã giải thoát chúng ta khỏi hình phạt đời đời của địa ngục. Đúng hơn, chúng ta không thể không rao giảng Lẽ Thật Phúc-âm được ẩn giấu trong sợi chỉ màu xanh, tím, và đỏ cho đến cùng thế giới mà không hề do dự. Sứ mạng này là việc cấp bách mà chúng ta phải làm.
Lần đầu tiên khi tôi nhận ra rằng Phúc-âm của nước và Thánh Linh này là Lẽ Thật duy nhất, tôi đã bị sốc rất nhiều. “Ah, nó đây! Nó đây, và mình đã không biết về nó mãi đến bây giờ. Các Cơ-đốc-nhân trên khắp thế giới có biết điều này không? Các nhà thần học có nói về nó không?” Tôi ước rằng đã có một người nào đó trong số các nhà thần học biết và nói về Lẽ Thật này. Vậy nên, tôi đã điều ra tất cả các nhánh thần học trong Cơ-đốc-giáo miễn là tôi có thể tìm ra xem có một chút ít dấu vết nào về Phúc-âm của nước và Thánh Linh trong đó hay không, nhưng tất cả đều là vô ích.
Vì vậy, lời cầu nguyện đầu tiên mà tôi đã dâng lên sau khi nhận ra Lẽ Thật Phúc-âm này đó là: “Lạy Chúa, con tin vào Phúc-âm của nước và Thánh Linh này. Con tin rằng Ngài đã gánh lấy mọi tội lỗi của con bằng cách chịu báp têm, chết trên thập tự giá, sống lại từ cõi chết, và rằng giờ đây Ngài đã cứu con. Nhưng Chúa ơi, tất cả mọi người trên cả thế giới rộng lớn này vẫn chưa biết về Lẽ Thật này. Hãy để con truyền bá Lẽ Thật này trên toàn thế giới. Hãy cho phép con rao giảng Phúc-âm nguyên bản của Ngài như nó vốn như vậy.”
Thật là một phước hạnh tuyệt vời khi tôi gặp các bạn, những người đồng công của tôi. Sẽ tốt hơn nhiều nếu gặp được một vài người tìm kiếm lẽ thật đang tìm kiếm Đức Chúa Trời, rao giảng lẽ thật của sợi chỉ màu xanh, tím, đỏ, và vải gai đậu mịn cho họ, tin nơi Ngài và cùng phục vụ với họ như thế này, còn hơn là gặp gỡ và dạy dỗ một ngàn người không nghe và cũng không tin vào Lời của Đức Chúa Trời. Tôi rất biết ơn Đức Chúa Trời vì tất cả các bạn đều tin vào Lời của Ngài! 
Quả thật, hiếm có ai trên thế giới hạnh phúc như bạn và tôi. Trên thế giới này, ai có được nhiều anh chị em chân chính như chúng ta? Tất cả những điều này thực sự đều đến từ nơi Đức Chúa Trời của lẽ thật. Khi Đức Chúa Trời ban cho chúng ta những phước hạnh quý báu như vậy, khi Đức Chúa Trời ban cho chúng ta sự cứu rỗi quý báu như vậy, và khi Đức Chúa Trời giao phó cho chúng ta một chức tế lễ quý báu như vậy, thì làm sao chúng ta không làm việc cho Phúc-âm của Ngài, làm sao chúng ta không xét đoán tội nhân, và làm sao chúng ta không truyền bá Phúc-âm của nước và Thánh Linh cho được? Khi chúng ta đang truyền bá Phúc-âm, làm sao chúng ta không tách những người đã được cứu rỗi khỏi những người chưa được? Như Đức Chúa Trời tách sự sáng khỏi sự tối tăm khi Ngài tạo dựng nên trời và đất, chúng ta cũng tách tội nhân khỏi những người công chính một cách rõ ràng. Đức Chúa Trời không đẹp lòng khi chúng ta trộn lẫn lẽ thật với sự giả dối. Và vậy nên Ngài phán rằng: “Chớ trồng vườn nho mình hai thứ con giâm, e hết thảy hoặc con giâm ngươi đã trồng, hay là hoa lợi của vườn nho, đều thuộc về nơi thánh. Chớ cày bằng một con bò thắng chung với một con lừa. Chớ mặc bằng vải pha lộn, lông chiên và gai với nhau.” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 22:9-11). Đó là lý do tại sao chúng ta phải phân biệt tội nhân, và đưa ra phán xét cho họ một cách rõ ràng.
Bây giờ là thời điểm dành cho những người đã lắng nghe Lời của Đức Chúa Trời để họ tin vào điều đó như lẽ thật, ngay cả khi điều đó không phù hợp với sở thích của họ. Những ai tin vào Lời của Đức Chúa Trời đều trở thành sự sáng của thế gian trong ân điển của Ngài, nhưng những ai không tin thì không thể thoát khỏi sự tối tăm. Bởi vì chúng ta tin vào Phúc-âm của nước và Thánh Linh nên chúng ta đã trở thành u-rim và thu-mim, tức là ‘sự sáng và sự hoàn hảo’. Chúng ta đã trở thành những người hoàn toàn được cứu khỏi tội trong Đức Chúa Trời.
Bạn đã hoàn toàn trở thành con cái của Đức Chúa Trời bằng cách tin vào Phúc-âm của nước và Thánh Linh hay chưa? Giờ đây chúng ta đang sống và làm những công việc của chức tế lễ hoàng gia, tất cả là nhờ Đức Chúa Jêsus Christ, Đấng đã trở thành Vua của muôn vua đối với thế gian này. Tôi cảm tạ Đức Chúa Trời vì đã ban cho chúng ta Phúc-âm về sự cứu rỗi này. Tôi cầu nguyện rằng Đức Chúa Trời sẽ cho phép chúng ta thành công thực hiện các nhiệm vụ của chức tế lễ hoàng gia khi chúng ta vẫn còn sống trên đất này. 
Ha-lê-lu-gia! Tôi mãi mãi ngợi khen Đức Chúa Trời của chúng ta.